Luật sư Phùng Gái

Cố ý gây thương tích với tỉ lệ thương tật 35% có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Câu hỏi tư vấn: Em có một sự việc như sau, em và em của em có đi chơi không may va chạm đánh nhau với 1người mà người đó gây sự trước, người ta đâm e bằng dủ̉a cưa lốc .em của em đang hát karaoke không biết em bị đánh.


1lúc sau người ta chaỵ kêu mới biết thì em của em ra thấy anh bị đánh vì bị kích động mạnh lên nó đã cầm dao chém vào tay người ta thương tật tay 35% sức khỏe ,gia đình em đền bù 70triệu và  có đơn bãi nại đầy đủ hết. Vậy em của em có phải đi tù không ạ .bị giam giữ 4tháng rồi ạ.

Mong luật sư tư vấn cho gia đình e .e xin cám ơn .
 

Trả lời tư vấn: Đối với thắc mắc của bạn, công ty Luật Minh Gia chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp của bạn chúng tôi có thể chia làm hai trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất, do em bạn đã có hành vi dùng hung khí( dao)  để gây thương tích cho người khác với tỉ lệ thương tật là 35% nên sẽ bị truy cứu với tội danh quy định tại khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự 2015:
 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

 

Cụ thể, hung khí nguy hiểm theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn:

 

“Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…).

 

Như vậy, trường hợp của bạn là dùng dao để gây thương tích nên dao có thể được coi là sử dụng hung khi nguy hiểm để thực hiện tội phạm. Khi bị truy cứu theo quy định tại khoản 3, Điều 134, khung hình phạt áp dụng với em trai bạn là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

 

Trường hợp thứ hai, do em bạn thấy bạn bị người khác đâm dẫn đến tinh thần bị kích động mạnh, từ đó thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Cụ thể:

 

Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

...

 

Với tội danh này, cần đảm bảo người bị hại là người có hành vi phạm tội nghiêm trọng, là nguyên nhân dẫn đến tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh, không làm chủ được hành vi mà gây thương tích cho đối tượng. Đồng thời, thương tích của nạn nhân phải từ 31% trở lên. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, em bạn sẽ chịu khung hình phạt: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại  như sau:

 

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 

Từ những phân tích ở trên, em trai bạn có thể bị xử lý theo khoản 3 Điều 134 hoặc khoản 1, Điều 135 của Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, chỉ trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 135 thì việc thỏa thuận rút đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại sẽ dẫn đến vụ án được đình chỉ và người em trai sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu em trai bạn bị khởi tố theo khoản 3, Điều 134 thì việc bồi thường thiệt hại cho bên bị hại chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, vụ án vẫn sẽ được giải quyết.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo