Lò Thị Loan

Chặt phá rừng trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tài nguyên rừng là một trong những tài nguyên quan trọng của đất nước, rừng có vai trò lớn trong việc bảo vệ và điều hòa khí hậu nhưng hiện nay trên thực tế có rất nhiều người không ý thức được tầm quan trọng của rừng dẫn đến nhiều trường hợp thực hiện hành vi phá hủy rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như môi trường sống.

1. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự

Hành vi hủy hoại rừng được xác định là hành vi vi phạm pháp luật tùy vào diện tích rừng bị chặt phá hủy hoại mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tương ứng. Thông qua quá trình tư vấn pháp luật hình sự cho khách hàng qua Email tư vấn và tư vấn qua số Hotline 1900.6169, công ty Luật Minh Gia nhận được rất nhiều các yêu cầu tư vấn của khách hàng liên quan đến hành vi chặt phá rừng trái phép. Nếu bạn cũng có nhu cầu tư vấn về vấn đề này bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp các vấn đề như:

- Như thế nào là hành vi hủy hoại rừng?

- Hủy hoại số lượng rừng như thế nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

- Mức hình phạt cụ thể đối với tội phạm này được quy định như thế nào?

- …

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung chúng tôi đã tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về hành vi hủy hoại rừng và mức xử lý đối với hành vi này.

2. Chặt phá rừng trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi là cán bộ nhà nước được phụ trách quy hoạch vùng đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (thời điểm tôi vi phạm chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng của UBND tỉnh).

Tôi đã thuê người chặt cây rừng để sau này tôi SXNN, kết quả đo đạc của cơ quan điều tra cho tôi biết là diện tích chặt phá của tôi 2.950 m2, khối lượng gỗ tính toán khoảng 3,2 m3, giá trị thiệt hại bằng gỗ tôi đã chặt phá phải đền bù cho nhà nước khoảng 2,3 triệu đồng (đường kính cây đa số là từ 10 đến 14 cm, có một số ít từ 15 đến 19 cm, chủng loại đa số là nhóm V đến nhóm VIII) Ngoài ra tôi còn chỉ cho 2 người khác chặt phá 02 chỗ khác, một chỗ 4,1 sào và 01 chỗ 3,4 sào với khối lượng gỗ và số tiền đền bù cũng gần giống như của tôi. 

Vậy tôi có phải mắc vào tội hủy hoại rừng không ? Xin Luật sư cho biết, xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 243 về Tội hủy hoại rừng của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); 

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2); 

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2); 

d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2); 

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; 

g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

c) Tái phạm nguy hiểm; 

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: 

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; 

b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; 

c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; 

d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên; 

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; 

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, tại thời điểm bạn thuê người chặt cây rừng là thời điểm chưa có quyết định phê duyệt diện tích đất này được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hay nói cách khác thì bạn đã thực hiện chặt, phá rừng mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. 

Theo đó, hành vi gây thiệt của bạn tương đương với diện tích rừng để sản xuất  là 5.650 m2 . Các loại gỗ bị chặt phá chủ yếu thuộc nhóm gỗ thông thường ( từ nhóm V đến nhóm VIII). Như vậy bạn đã có Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để phá rừng,bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 điều 243, với khung hình phạt là từ 3 năm đến 7 năm tù. Ngoài ra bạn sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến năm năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo