Nguyễn Văn Cảnh

Thủ tục thành lập công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài như thế nào?

Thủ tục thành lập công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài. Thuê lao động là người nước ngoài

Chào anh chị luật sư,em muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em việc sau đây, nếu được. Em (quốc tịch Việt) và chồng (quốc tịch Singapore) đang muốn mở 1 công ty cổ phần ở Hà Nội về phần mềm máy tính để chồng em trực tiếp quản lý. Em đang khó nghĩ không biết phương án nào sau đây thì đơn giản và tốt hơn, anh chị làm ơn tư vấn giúp em với.1) Phương án thứ nhất là, để chồng là cổ đông của công ty (góp 40%), theo em hiểu có thể được miễn xin giấy phép lao động và sau đó xin giấy tạm trú để ở lại VN làm việc. Trong trường hợp này em nghe nói phải mở công ty có góp vốn từ người nước ngoài. Em không hiểu mở như vậy có khó không và có hay bị làm phiền về sau cho việc kinh doanh không.2) Phương án thứ hai là, mở công ty CP không có tên chồng em, chỉ để tên em, coi như 100% vốn nội. Nhưng sau đó công ty cần phải thuê chồng em là người nước ngoài làm việc, cần xin giấy phép lao động cho người nước ngoài và xin giấy tạm trú. Em không rõ là thuê lao động nước ngoài có khó khăn lắm không.Em mong quý luật sư gợi ý giúp em xem phương án nào là hợp lý hơn. Công ty bọn em định mở quy mô nhỏ vốn điều lệ không nhiều (tầm dưới 500tr) và ý định thuê 5-6 nhân viên trong thời ký đầu.Em trân trọng cảm ơn và mong hồi âm,

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Phương án 1: Thành lập công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài chiếm 40% cổ phần:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014:

 

"Điều 23. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần

 

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

 

2. Điều lệ công ty.

 

3. Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

 

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

 

a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;

 

b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

 

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

 

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư".

 

Như vậy, theo quy định trên thì người nước ngoài là nhà đầu tư muốn thành lập công ty cổ phần tại Việt Nam phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cung cấp cho Phòng đăng ký kinh doanh. Trường hợp bạn muốn thành lập công ty cổ phần có tên chồng chị là người nước ngoài chiếm 40% cổ phần, khi đó, chị phải thực hiện qua 2 bước:

 

Bước 1: Xin giấy chứng nhận đầu tư

 

Bước 2: Đăng ký thành lập công ty cổ phần

 

Trường hợp chồng bạn là cổ đông góp vốn vào công ty cổ phần và là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì sẽ không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động.

 

Thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư bạn tham khảo bài viết: Luật sư tư vấn xin cấp phép đầu tư

 

Phương án 2: Thành lập công ty cổ phần 100% vốn trong nước, và thuê người lao động là người nước ngoài.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 170 Bộ luật lao động 2012 về điều kiện tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài:

 

1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

 

2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

 

Theo đó, công ty bạn chỉ được tuyển lao động là người nước ngoài làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khi tuyển dụng lao động nước ngoài thì phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn của giấy phép lao động cũng tối đa 2 năm, khi hết hạn bạn phải làm thủ tục gia hạn giấy phép lao động.

 

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép lao động bạn tham khảo bài viết: Hồ sơ cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

 

Bạn thao khảo để có sự lựa chọn phù hợp với mình.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn