Bán vốn góp của công ty TNHH hai thành viên như thế nào?
Mục lục bài viết
Dưới đây là ví dụ của Luật Minh Gia về trường hợp thừa kế phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Câu hỏi:
Kính gửi quý cơ quan!Em có một trường hợp cần nhờ quý cơ quan giúp đỡ tư vấn giúp em về luật ạ. Công ty em là Cty TNHH hai thành viên trở lên.Cách đây 2 năm, một thành viên trong cty mất nhưng không để lại di chúc thừa kế. Mọi hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hiện tại thì Giám đốc công ty xin nghỉ việc và giao lại cho một người ngoài công ty, do đó bị bế tắc trong việc chuyển đổi do chưa làm chuyện thừa kế cho người đã mất. Thành viên mất (Bà A) có chồng là Công chức nhà nước, hai đứa con dưới 18 tuổi nên 3 người này không có tư cách đứng tên thành viên trong công ty. Cha của Bà A là đại diện duy nhất được đứng tên trong thành viên công ty. Cha của bà A do sức khỏe và ở cách xa Công ty nên đã làm ủy quyền cho một người khác. Trong trường hợp này cho em xin hỏi về việc thừa kế:
1, Bây giờ, phần tài sản thừa kế của Chồng và hai đứa con theo biên bản họp nội bộ công ty sẽ chuyển sang cho một thành viên của Công ty. Vậy thì việc chuyển đổi tên thành viên trong công ty có thực hiện được không ạ. Nếu được thì phải làm như thế nào và không được thì phải làm thế nào ạ.
2, Làm cách nào để có thể thay đổi được tên Giám đốc và thay đổi vốn góp khi chuyển nhượng, kết nạp thành viên để tăng vốn trong thời gian sớm nhất được ạ. Trân trọng! Em xin quý cơ quan giúp đỡ! Em xin cám ơn ạ.
Giải đáp:
1. Chuyển nhượng di sản thừa kế là vốn góp trong công ty
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì hiện một thành viên của công ty đã mất không để lại di chúc và những người thừa kế của thành viên đã mất đó bao gồm: Bố, chồng và hai người con dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, hiện công ty cũng đang có nhu cầu thực hiện thủ tục chuyển toàn bộ phần vốn góp của bà A sang thành viên còn lại của công ty, trong trường hợp này công ty cần lưu ý vấn đề sau:
Hàng thừa kế hiện tại của bà A có bốn người nên mỗi người sẽ được hưởng một phần như nhau trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thừa kế không muốn trở thành thành viên công ty thì có thể yêu cầu công ty hoặc chuyển nhượng cho người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật doanh nghiệp 2020:
“Điều 53. Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt
4. Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật này trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế không muốn trở thành thành viên;”
Tuy nhiên, theo thông tin mà anh cung cấp thì bà A có hai người con dưới 18 tuổi nên việc chuyển nhượng vốn góp đối với hai người con này phải được thực hiện thông qua người đại diện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì bố của hai cháu đương nhiên là người đại diện theo pháp luật.
“Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.”
Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau:
“Điều 141. Phạm vi đại diện
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, bố của hai người con dưới 18 tuổi chỉ được đại diện thực hiện chuyển nhượng vốn góp của hai cháu cho người khác khi chứng minh được là vì lợi ích của 2 cháu (người được đại diện). Vì lợi ích của hai cháu được hiểu là để phục vụ cho nhu cầu học tập, sinh hoạt và các nhu cầu khác mà tại thời điểm hiện tại người bố không đủ khả năng để chi trả.
Như vậy, bố của hai cháu chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp của hai cháu khi việc chuyển nhượng đó là vì lợi ích của hai cháu. Trường hợp không vì lợi ích của hai cháu thì không được chuyển nhượng.
2. Thủ tục thay đổi tỷ lệ vốn góp
Khi đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng như phân tích nêu trên thì tiến hành trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã hoặc Văn phòng công chứng.
Bước 2: Ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp
Bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực)
Bước 3: Tiến hành thủ tục thay đổi nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp
Công ty chuẩn bị hồ sơ để nộp đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở, hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp;
- Danh sách thành viên công ty.
3. Về việc thay đổi Giám đốc
Điểm đ khoản 2 Điều 55 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 55. Hội đồng thành viên
2. Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;”
Căn cứ quy định nêu trên thì hội đồng thành viên có quyền quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng với Giám đốc. Do đó, trước khi thay đổi Giám đốc thì công ty phải hoàn thiện các thủ tục về Hội đồng thành viên theo hướng dẫn tại mục 2 nêu trên.
Sau đó Hội đồng thành viên sẽ tiến hành họp để bổ nhiệm Giám đốc mới.
4. Thủ tục kết nạp thành viên mới để tăng vốn điều lệ
Theo quy định tại Điều 68 Luật doanh nghiệp 2020, kết nạp thêm thành viên mới là một hình thức tăng vốn điều lệ và thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Luật doanh nghiệp 2020. Trình tự thủ tục tăng vốn điều lệ khi kết nạp thành viên mới như sau:
Bước 1: Họp hội đồng thành viên về việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức kết nạp thêm thành viên mới.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thành viên mới;
- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;
- Giấy tờ pháp lý của thành viên mới.
Bước 3: Nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có chủ sở.
Trên đây là giải đáp của Luật Minh Gia dựa trên thông tin ban đầu mà bạn cung cấp. Luật Minh Gia hi vọng sẽ giải đáp được những băn khoăn của bạn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất