Cao Thị Hiền

Kiểm toán là gì? Kiểm toán và kế toán khác nhau thế nào?

Trên thế giới hầu hết các nước đi theo kinh tế thị trường đều có hoạt động kiểm toán độc lập. Theo quy định của pháp luật Việt Nam được nêu trong Nghị định 17/2012/NĐ-CP thì các doanh nghiệp cố vốn nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty cổ phần đại chúng, các doanh nghiệp có vốn nhà nước…phải thực hiện kiểm toán hàng năm. Mặc dù đây không còn là một ngành nghề xa lạ với chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định về kiểm toán cũng như dễ nhầm lẫn khái niệm này với khái niệm kế toán.

1. Khái niệm kiểm toán

1.1. Kiểm toán là gì?

Kiểm toán được hiểu là hoạt động xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động cần được kiểm toán bằng hệ thống phương pháp kỹ thuật của kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ, do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực.

Có thể nói, kiểm toán hướng đến rất nhiều đối tượng, những người quan tâm tới tình hình tài chính của một tổ chức nào đó nhưng không có nghiệp vụ về tài chính, kế toán; đó là lí do họ cần đến những kiểm toán viên để tìm hiểu và đưa ra những đánh giá phù hợp giúp họ có những quyết định đúng đắn nhất.

1.2. Công việc của kiểm toán

Công việc của kiểm toán chính là kiểm tra, xác minh tính trung thực của những báo cáo tài chính đó, từ đó giúp cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của tổ chức đó. Hay nói cách khác, kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng liên quan đến những thông tin tài chính được kiểm tra (cung cấp bởi kế toán) nhằm xác đinh và báo cáo về mức độ phù hợp giữa thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập.

Hiểu một cách đơn giản, các kế toán viên sẽ sử dụng những phương pháp khác nhau để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính, ví dụ như phương pháp đối chiếu, logic, diễn giãi thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê, thử nghiệm,… Với hoạt động đó, có thể thấy được 3 chức năng chính của kiểm toán, đó là:

– Xác minh tính trung thực và tính pháp của các báo cáo tài chính.

– Đánh giá bằng việc đưa ra ý kiến về tính trung thực và mức độ hợp lý của các thông tin tài chính, kế toán.

– Tư vấn cho các nhà quản lý thông qua việc chỉ ra những sai sót và gợi mở ra những biện pháp để khắc phục, giúp các công ty hoạt động hiệu quả hơn.

Chúng ta phải hiểu rằng, các tổ chức ở đây không chỉ là các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn bao gồm cả những cơ quan Nhà nước, như đã nói kiểm toán hướng tới nhiều đối tượng khác nhau.

1.3. Các loại kiểm toán

– Kiểm toán Nhà nước: Do cơ quan kiểm toán Nhà nước tiến hành theo luật định và không thu phí, thông thường đối tượng được kiểm toán là những doanh nghiệp nhà nước.

– Kiểm toán độc lập: Được tiến hành bởi các kiểm toán viên tại các công ty độc lập chuyên về dịch vụ này. Nhiệm vụ chính của họ thường là kiểm toán những báo cáo tài chính, ngoài ra cũng có các dịch vụ khác về tài chính và kinh tế tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đây là loại kiểm toán nhận được sự tin cậy từ bên thứ ba hay những nhà đầu tư.

– Kiểm toán nội bộ: Là những kiểm toán viên trong nội bộ một công ty, tổ chức nào đó. Họ thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc. Thường thì những báo cáo kiểm toán này chỉ được sử dụng trong nội bộ công ty mà ít nhận được sự tin cậy từ bên ngoài, vì các kiểm toán viên này cũng là nhân viên trong nội bộ công ty và làm việc dưới ảnh hưởng của ban giám đốc.

2. Phân biệt kiểm toán và kế toán

Thông thường khi nhắc tới khái niệm “Kiểm toán là gì?”, người ta sẽ đưa ra câu trả lời kèm theo định nghĩa của ngành kế toán. Đây là hai phạm trù gần như luôn song hành cùng nhau và bổ trợ cho nhau vì chúng có liên quan trực tiếp tới nhau. Do vậy, đây cũng là hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn. Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một số tiêu chí phân biệt để bạn đọc tham khảo như sau:

Tiêu chí

Kiểm toán

Kế toán

Chủ thể

Kiểm toán viên là một người độc lập và được chỉ định làm việc trong một khoảng thời gian cụ thể. Nhận được một khoản thù lao từ việc kiểm toán.

Kế toán viên là một nhân sự của một tổ chức và nhận lương từ các hoạt động kinh doanh của tổ chức đó.

Thời điểm bắt đầu công việc

Công việc của kiểm toán bắt đầu khi kết thúc công việc của kế toán.

Công việc kế toán bắt đầu khi các giao dịch tài chính diễn ra.

Hệ thống phương pháp

Kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ

Bao gồm 4 phương pháp:

-Chứng từ kế toán.

-Tài khoản kế toán.

-Tính giá.

-Tổng hợp cân đối kế toán

Tính chất công việc

Kiểm toán kiểm tra các sổ sách, bản ghi

Kế toán giữ các bản ghi, sổ sách về giao dịch tài chính.

Phạm vi

Kiểm tra sổ sách kế toán, xem xét tính khách quan của họ xem có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.

Chuẩn bị các bản báo cáo về lợi nhuận, bảng cân đối các tài khoản và các báo cáo khác theo sự hướng dẫn của công ty kiểm toán.

Báo cáo

Bao gồm 2 loại báo cáo:

+Báo cáo kiểm toán

+Biên bản kiểm toán

Bao gồm các loại báo cáo:

+ Bảng cân đối kế toán.

+Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

+Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

+Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Việc chuẩn bị báo cáo

Phải chuẩn bị và trình bày báo cáo ngay sau khi hoàn thành công việc của mình cho các cơ quan có liên quan.

Không nhất thiết phải chuẩn bị báo cáo ngay sau khi ghi chép sổ sách. Nhưng cần báo cáo định kỳ (cuối tháng, cuối năm…)

Trách nhiệm

Đơn vị kiểm toán chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu hoặc cổ đông.

Kế toán viên chịu trách nhiệm với người quản lý.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169