Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về tranh chấp về tài sản thừa kế với cha dượng

Nhờ luật sư tư vấn giúp về tranh chấp thừa kế như sau: Tôi năm nay 23 tuổi, sống với mẹ và dượng cùng người em cùng mẹ khác cha (6 tuổi) ở Quận X. Tháng trước, vì tai nạn nên mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi để lại cho chúng tôi 03 căn nhà 02 ô tô và 03 xe máy, 01 nhà hàng karaoke.

Cách đây vài ngày, dượng tôi đã đuổi tôi ra khỏi nhà vì nói đó là nhà của ông ta. Vì là con gái nên tôi không thể tranh chấp được với ông ấy nên tôi đã đến nhà dì tôi ở tạm. Xin luật sư cho hỏi : tôi phải làm thủ tục gì để được thừa kế các tài sản trên? Việc dượng tôi đuổi tôi ra khỏi nhà là đúng hay sai? Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

- Nếu mẹ bạn mất có để lại di chúc hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc.

- Nếu mẹ bạn mất không để lại di chúc hợp pháp, theo quy định tại Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) thì di sản thừa kế (gồm: 03 căn nhà, 02 ô tô, 03 xe máy và 1 nhà hàng karaoke) sẽ được chia theo pháp luật căn cứ theo điều 651 Bộ luật dân sự. Và theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 651 BLDS quy định về người thừa kế theo pháp luật, có quy định cụ thể về hàng thừa kế thứ nhất như sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Vậy bạn là con của người để lại di sản do đó bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định trên, những người được quyền hưởng di sản thừa kế của mẹ bạn gồm có: cha dượng của bạn, bạn, em cùng cha khác mẹ của bạn.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý với bạn rằng: nếu cha dượng của bạn chứng minh được đây là khối tài sản chung của vợ chồng thì khối di sản mà mẹ bạn để lại sẽ được chia làm hai phần bằng nhau, cha dượng bạn sẽ được sở hữu một phần, phần còn lại sẽ được chia theo pháp luật (gồm: cha dượng bạn, bạn và em cùng mẹ khác cha với bạn)

Để được thừa kế số tài sản trên bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu Toà án có thẩm quyền phân chia di sản thừa kế theo pháp luật theo các nội dung sau:

- Hồ sơ khởi kiện:

- Đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế (theo mẫu);

- Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

- Bản kê khai các di sản;

- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản.

- Trình tự, thủ tục giải quyết việc phân chia di sản:

- Thẩm quyền: Toà án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh nơi có di sản thừa kế.

- Thời gian giải quyết: Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

- Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Án phí dân sự sơ thẩm: theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý: Để Toà án nhận đơn khởi kiện và thụ lý, trong hồ sơ khởi kiện bạn cần cung cấp các giấy tờ chứng minh số tài sản trên (03 căn nhà, 02 ô tô, 03 xe máy và 1 nhà hàng karaoke) thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn (sở hữu chung hoặc sở hữu riêng) như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng tặng cho, đăng ký xe, giấy tờ chứng minh nguồn tiền mua xe, mua nhà… Nếu bạn không chứng minh được số tài sản đó thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn, thì bạn không thể khởi kiện yêu cầu phân chia số tài sản đó, cũng như việc cha dượng bạn toàn quyền sử dụng số tài sản đó là có cơ sở.

Về việc cha dượng bạn đuổi bạn ra khỏi nhà, nếu trường hợp căn nhà là của mẹ bạn (chung với cha dượng hoặc riêng của mẹ bạn) và bạn có hộ khẩu thường trú tại căn nhà đó và mẹ bạn là chủ hộ thì việc làm của cha dượng bạn là trái pháp luật, bạn có thể nhờ công an khu vực bạn ở can thiệp về việc này.

Những gì chúng tôi trả lời trên đây là dựa trên những dữ liệu mà bạn đã cung cấp. Nếu được bạn có thể đến trực tiếp văn phòng luật sư chúng tôi và mang theo những giấy tờ gì bạn có để đội ngũ luật sư chúng tôi tư vấn cụ thể hơn cho trường hợp của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về tranh chấp về tài sản thừa kế với cha dượng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo