Nguyễn Thị Thùy Dương

Mua phải hàng lỗi có được đổi, trả không?

Trong hoạt đồng mua bán hàng hóa, việc người mua phát hiện sản phẩm bị lỗi, hư hỏng sau khi nhận hàng hóa là việc không hề hiếm gặp trên thực tế hiện nay. Vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về ai? Người bán hàng hay người mua hàng? Luật Minh Gia sẽ giải đáp vấn đề này qua một tình huống thực tế sau đây.

Câu hỏi tư vấn: Chuyện là: E có tới một quán điện thoại và có trao đổi 1 chiếc điện thoại của em là Xsm và e đổi chiếc 11prm. Em các thêm 3tr để lấy chiếc 11prm. Trong lúc đổi thì người chủ quán có nói rằng máy ok và đầy đủ chức năng không nói đến lỗi và sau đó e đồng ý nhưng đến khi về e phát hiện ra là máy đã bị lỗi lên e bảo đổi lại thì anh ý không nghe. 

Em xin hỏi luật sư là có kiện được không ạ?

Nội dung tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có đến một cửa hàng điện thoại để đổi chiếc điện thoại của bạn để lấy chiếc điện thoại mới tại cửa hàng và thanh toán thêm 3 triệu cho người chủ cửa hàng. Căn cứ quy định tại Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ giữa anh và người chủ cửa hàng là quan hệ trao đổi tài sản. Trong đó:

“[…] 4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.”

Như vậy, xét riêng đối với chiếc điện thoại 11 PRM thì chủ cửa hàng sẽ là người bán và anh là người mua.

Tại Khoản 1 Điều 445 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hóa mua bán như sau:

“1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Đối chiếu quy định nêu trên vào trường hợp của anh, anh hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ cửa hàng sửa chữa, đổi chiếc điện thoại khác cho anh và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp anh và chủ cửa hàng có thỏa thuận khác về điều kiện đổi trả sản phẩm lỗi, hư hỏng.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm theo quy định tại Khoản 3 Điều 445 Bộ luật Dân sự, người chủ cửa hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc điện thoại bị lỗi nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

-  Anh đã biết hoặc phải biết về việc điện thoại bị lỗi

- Điện thoại được bán ở cửa hàng đồ cũ

- Anh có lỗi trong việc để điện thoại bị lỗi.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 447 Bộ luật Dân sự 2015, nếu trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bảo hành sản phầm thì: “Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.” dù anh đổi chiếc điện thoại 11 PRM ở cửa hàng đồ cũ.

Do đó, anh cần kiểm tra kỹ lại về chính sách đổi trả, chính sách bảo hành của cửa hàng, cam kết, thỏa thuận giữa hai bên khi mua bán, trao đổi điện để bảo đảm quyền lợi của mình.

Về vấn đề khởi kiện, theo quy định tại Điều 4 VBHN Bộ luật Tố tụng Dân sự 2020, anh hoàn toàn có quyền khởi kiện người chủ cửa hàng điện thoại nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhưng, với vai trò là người khởi kiện, anh cần cung cấp cho Tòa án những chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình trong đơn khởi kiện. Ví dụ: hóa đơn mua bán hàng hóa, phiếu bảo hành, …

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn