Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về quyền thừa kế của cá nhân là người định cư ở nước ngoài.

Cho tôi hỏi về việc nhận thừa kế khi đang ở nước ngoài như sau: Bà nội tôi có 4 người con, trong đó có 1 người (cô của tôi) đã định cư ở nước ngoài hơn 15 năm và 1 người con lớn tâm thần không ổn định (sau khi bà tôi mất thì ba tôi cũng người cô còn lại góp tiền vào nuôi dưỡng). Bà nội tôi mất hơn 6 năm và không để lại di chúc. Nay cô tôi ở bên nước ngoài về và muốn chia phần di sản của bà nội tôi sau khi mât để lại cụ thể là 1 miếng đất có căn nhà tọa lạc trên đó.

 

Nay tôi xin quý luật sư tư vấn giùm 2 vấn đề:

- Vấn đề 1: Cô tôi ở nước ngoài có được hưởng phần di sản đó không?

- Vấn đề 2: Ba tôi có nhờ 1 văn phòng luật sư ở gần nhà tư vấn. Vị luật sư đó tư vấn là nếu ba tôi và người cô ở nước ngoài đã có đất (lúc bà nội tôi còn sống cho) thì phần di sản của bà nội tôi để lại hiện nay chỉ được chia cho 2 người còn lại chưa có đất thôi. Vậy xin hỏi quý luật sư là trong các qui định của pháp luật hiện hành có qui định nào như thế không? Xin chân thành cảm ơn quý luật sư đã tư vấn và mong nhận được hồi âm sớm nhất. Chân thành cám ơn!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Như bạn trình bày tại phần hỏi thì Bà nội bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bà bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.

 

Căn cứ theo Điều 651 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

 

Như vậy, những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bà bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế của bà bạn để lại. Do đó, cô của bạn (con của bà nội) có quyền hưởng di sản thừa thừa kế của bà bạn để lại. Mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau. Các bên có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế.

 

Theo thông tin bạn cung cấp: "người cô ở nước ngoài đã có đất (lúc bà nội tôi còn sống cho)". Nếu việc tặng cho quyền sử dụng đất tuân theo đúng quy định của pháp luật:  được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng này hợp pháp và có hiệu lực pháp luật. Nếu việc tặng cho quyền sử dụng đất không đúng quy định thì hợp đồng tặng cho vô hiệu, không phát sinh hiệu lực pháp luật, mảnh đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của bà bạn và khi bà bạn mất thì nó được xác định là di sản thừa kế của bà. Việc bà bạn tặng cho quyền sử dụng đất cho cô bạn không ảnh hưởng đến quyền hưởng di sản thừa kế của cô. 


Căn cứ theo Điều 623 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

Như vậy, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nên cô bạn vẫn có quyền yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế.

 

Ngoài ra, theo Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở:

 

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

 

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

 

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

 

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

 

c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.

 

Theo khoản 1 Điều 186 luật đất đai năm 2013 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.”

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu cô bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ có quyền sở hữu nhà ở thông qua hình thức thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền thừa kế của cá nhân là người định cư ở nước ngoài. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư Tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

P. Luật sư tư vấn luật Thừa kế - Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo