Luật gia Nguyễn Nhung

Không bồi thường thiệt hại khi gây tai nan giao thông xử lý thế nào?

Thưa luật sư! xin luật sư tư vấn giúp cháu.cách đây gần hai tháng, khi cháu đang lưu thông trên đường thì bị một xe đầu kéo đâm vào từ phía sau bên hông cửa phía sau bên tài và đẩy lê xe cháu vài m gây hư hỏng nặng. Sau khi công an giao thông đến làm việc hiện trường thì bên xe tải có xin được giải quyết thỏa thuận nội bộ giữa hai bên và kí vào biên bản thỏa thuận của cơ quan giao thông là sẽ chịu đền bù mọi hư hỏng của xe cháu (xe ô tô 4 chỗ).

 

Sau khi hai bên kí kết thỏa thuận có cơ quan chức năng giao thông làm chứng thì cơ quan giao thông có tạm giữ giấy tờ của cả hai bên và cho xe đầu kéo được lưu thông tiếp và xe cháu về gara hãng honda sửa chữa.từ đó đến nay đã gần 2 tháng nhưng bên gây tai nạn vẫn không chịu đền bù cho bên cháu. Gọi điện hay đến nhà riêng thì không nghe máy và không chịu ra gặp mặt. Vậy cháu xin hỏi luật sư phải làm cách nào để có thể đòi bên xe gây tai nạn chịu đền bù cho bên cháu. Hiện cháu chỉ giữ giấy tờ thỏa thuận giữa hai bên kí kết do cơ quan chức năng ký và cung cấp, phải cần những gì mới có thể tố bên xe tại ạ. Cháu xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời câu hỏi tư vấn: 

 

Chào bạn, Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Luật Minh Gia, yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

 

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Điều 589 BLDS 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: “Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng…”

 

Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: "1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác....".

 

Điều 26 BLTTDS 2015 quy định về những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: " ...6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…”.

 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp người nào có lỗi xâm phạm tài sản của người khác thì có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015.

 

Đối với trường hợp của bạn, nếu có đủ cơ sở xác định người điều khiển xe đầu kéo có lỗi, thiệt hại về tài sản của bạn (xe ô tô) là có thực thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để giải quyết. Theo bạn trình bày, do các bên đã thỏa thuận bồi thường, có chiến sĩ Công an làm chứng thì bạn có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan công an để tiến hành đốc thúc, yêu cầu bên gây ra thiệt hại thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

 

Ngoài ra, bạn có quyền gửi đơn tới TAND quận, huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc đóng trụ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

 

+ Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án bao gồm:

 

- Đơn khởi kiện (theo mẫu);

 

- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (giữ giấy tờ thỏa thuận giữa hai bên kí kết do cơ quan chức năng ký và cung cấp, những giấy tờ chứng minh thiệt hại,…)

 

- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;

 

- Xác nhận địa chỉ cư trú, làm việc hoặc trụ sở của bị đơn;

 

- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);

 

Điều 600 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

 

Trường hợp người lái xe đầu kéo là người làm công gây ra khi thực hiện công việc được giao thì đơn vị trực tiếp sử dụng lao động này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại này. Nếu người lái xe có lỗi trong việc gây thiệt hại thì phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật cho người sử dụng lao động của người gây thiệt hại. Vậy, anh có quyền yêu cầu đơn vị sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại theo mức pháp luật quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Không bồi thường thiệt hại khi gây tai nan giao thông xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Trần Như Quỳnh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo