Luật sư Dương Châm

Hiến pháp là gì theo quy định?

Hiến pháp là luật cơ bản, là luật gốc và là nền tảng, là cơ sở để xây dựng và phát triển toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia. Mọi đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác dù trực tiếp hay gián tiếp đều phải căn cứ vào hiến pháp để ban hành. Vậy Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các thời kỳ được quy định như thế nào, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật Minh Gia.

1. Hiến pháp theo quy định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập, gồm 7 chương chia làm 70 điều ngắn gọn chặt chẽ, quy định về chính thể, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân, bộ máy nhà nước của đất nước ở những năm đầu của Nhà nước cách mạng. Hiến pháp 1946 ra đời là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên bản Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố. Mặc dù vậy, những tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 luôn được Chính phủ lâm thời và Ban thường vụ Quốc hội áp dụng, điều hành đất nước. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Hiến pháp năm 1959 được ban hành bao gồm 10 chương, 112 điều với nhiệm vụ củng cố, đưa miền Bắc quá độ lên xã hội chủ nghĩa và tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam. Hiến pháp 1959 đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một bản Hiến pháp thực sự dân chủ, đồng thời là sức mạnh động viên nhân dân cả nước ta phấn khởi tiến lên đấu tranh giành những thắng lợi mới.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước thống nhất và chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ lãnh thổ. Với sự kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiếp pháp năm 1980 ra đời bao gồm 12 chương, 147 điều, là bản Hiến pháp tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới. Tại Điều 146, Hiếp pháp được quy định như sau:

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.

Theo đó, Hiến pháp được hiểu là luật cơ bản của quốc gia và có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý trong xã hội Việt Nam.

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1992 ra đời bao gồm 12 chương, 147 điều, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước ta. Hiến pháp năm 1992 vẫn giữ nguyên quy định về Hiến pháp so với Hiến pháp năm 1980.

2. Hiến pháp theo quy định tại Hiến pháp năm 2013

Với kết quả tổng kết thực tiễn qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 ra đời bao gồm 11 chương, 120 điều là bản Hiến pháp kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện tinh thần đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo quy định tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013, “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Nói Hiến pháp là luật cơ bản của quốc gia bởi Hiến pháp không điều chỉnh mọi loại quan hệ xã hội hiện hữu mà chỉ điều chỉnh những quan hệ chủ đạo nhất, chính yếu nhất, có tính nguyên tắc và tính nền tảng nhất. Các quan hệ xã hội chủ đạo mà Hiến pháp điều chỉnh bao gồm: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; hình thức và bản chất nhà nước; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bên cạnh đó, Hiến pháp là nền tảng pháp lý, căn cứ chủ đạo đối với việc ban hành toàn bộ các văn bản pháp lý khác của Nhà nước, là cơ sở định hướng hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như hành vi và ý thức pháp luật của công dân. Vì vậy, Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, tất cả các văn bản pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái với quy định của Hiến pháp.

Như vậy, cho đến nay sau Hiến pháp 1946, Quốc hội nước ta đã ban hành các Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp hiện hành – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Trong những điều kiện đổi mới hiện nay, Hiến pháp 2013 – Hiến pháp hiện hành của nước ta đã và đang đi vào cuộc sống, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169