Giữa trực và làm ngoài giờ khác nhau như thế nào?
Trực và làm thêm giờ là vấn đề được rất nhiều người lao động làm việc đặc thù quan tâm. Hiện nay có nhiều văn bản đang điều chỉnh và quy định về vấn đề trực và làm ngoài giờ của lao động đặc thù như Bộ Luật lao động 2012, QĐ 73/2011/TTg, Nghi định 45/2013/NĐ-CP,...Nhằm để người lao động hiểu rõ hơn về vấn đề trực và làm ngoài giờ Luật Minh Gia xin tư vấn một số trường hợp cụ thể. Ngoài ra, nếu bạn có vấn đề gì thắc mắc để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
Nội dung câu hỏi: Em chào luật sư. Em rất mong luật sư tư vấn giúp em 3 vấn đề sau. Chúng em bị đàn áp không chịu nổi.1/ E làm sản xuất tại bệnh viện hạng I. Lúc trước làm t7-cn gọi là làm ngoài giờ và hưởng tiền ngoài giờ là 35.000/1h. Khoảng 4 tháng nay thì quy định t7-cn là thường trực 8 tiếng ( 7h30-16h30) nhưng không có tiền trực, chỉ được nghỉ bù 1 buổi chiều. 2/ Những ngày làm hành chính (t2-t6) làm từ 7h40-16h30 và đến tua ai trực đêm đó thì tiếp tục trực, gọi là trực nhưng phải lao động sản xuất liên tục đến 23h00 ( lao động tổng cộng 14 tiếng/ ngày ) Sáng hôm sau không được nghỉ bù trực mà vẫn tiếp tục lao động đến 11h30. Sau đó được nghỉ bù trực buổi chiều và tiền trực đêm đó là 115.000₫. 3/ Giữa trực và làm ngoài giờ khác nhau như thế nào, bệnh viện tôi quy định thường trực nhưng phải lao động sản xuất như 1 ngày bình thườngBệnh viện em quy định vậy có đúng pháp luật không. Mong luật sư giúp đỡ. Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn đưa ra thì hiện bạn đang làm công việc sản xuất trong bệnh viện hạng I chính vì vậy theo QĐ 73/2011/TTg quy định về vấn đề thường trực và làm thêm giờ của người lao động trong bệnh viện hạng 1 như sau:
“ 1. Nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực:
a) Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ; trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, kể cả các khu vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ;
b) Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc; chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc theo ca như sau:
- Ngày làm việc gồm 03 ca, mỗi ca làm việc 08 giờ;
- Ngày làm việc gồm 02 ca: một ca làm việc 08 giờ theo giờ hành chính và một ca làm việc 16 giờ hoặc mỗi ca làm việc 12 giờ.”
…
3. Chế độ đối với người lao động tham gia thường trực:
a) Chế độ phụ cấp thường trực:
- Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau:
+ 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.
+ 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II.
+ 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương.
+ 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
- Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;
- Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
b) Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực;
c) Người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực như sau:
- Thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;
- Thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.
d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.”
Như vậy theo quy định tại Điều 3 QĐ 73/2011/TTg thì khi bạn thường trực vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp “thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên”.
Đối với trường hợp bệnh viện yêu cầu người lao động ngày làm hành chính (t2-t6) làm từ 7h40-16h30 và đến ai trực đêm đó thì tiếp tục trực, gọi là trực nhưng phải lao động sản xuất liên tục đến 23h00 (lao động tổng cộng 14 tiếng/ ngày) và bệnh viện trả tiền trực là 115 nghìn đồng thì theo quy định tại điểm a Khoản 3 về chế độ trực quy định : “ Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau: 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt” như vậy bệnh viện bạn đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng việc bênh viện bạn vẫn yêu cầu người lao động làm việc đến 11h30 hôm sau và nghỉ chiều thì trong trường hợp này theo điểm c Khoản 3 quy định về vấn đề nghỉ sau khi trực như sau “Thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.”. Vì vậy trong trường hợp này bệnh viện bạn phải sắp xếp cho người lao động nghỉ làm ít nhất là 12 tiếng sau ca đêm trực => bệnh viện bạn đã vi phạm về quy định thời gian được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực. Nên việc sắp cho người lao động nghỉ buổi chiều là không hợp lý mà đáng ra là nên sắp cho người lao động nghỉ buổi sang sau khi ca trực kết thúc.
Đồng thời theo điểm d Khoản 3 này cũng quy định về việc làm thêm giờ của người lao động thì nếu trong trường hợp bạn được bệnh viện huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động”.
Ngoài ra việc người sử dụng lao động sử dụng người lao động làm thêm giờ phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 BLLĐ:
“a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ."
Và theo Nghi định 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:
- Về số giờ làm thêm:
+ Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
+ Việc tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ một năm được thực hiện trong trường hợp sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước hoặc các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
- Thời gian nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng: Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.
- Về thời giờ nghỉ ngơi: (nội dung về thời giờ nghỉ ngơi được BLLĐ quy định cụ thể từ Điều 108 đến Điều 117 và Điều 5 đến Điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ_CP)
- Nghỉ trong giờ làm việc (hay nghỉ giải lao, nghỉ giữa ca):
Theo quy định của pháp luật lao động, thì thời giờ nghỉ giữa ca được tính như sau:
+ Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất nửa giờ (30 phút), tính vào giờ làm việc; Ngoài ra, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.
+ Người làm ca đêm ( từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ) được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc;
+ Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.
Theo đó, bạn sẽ được đảm bảo quyền lợi về thời giờ làm việc những giờ nghỉ theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi làm việc ngoài giờ làm việc bình thường thì bạn sẽ được tính lương làm thêm giờ.
Trân trọng.
P. Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất