Đơn đặt hàng là gì? Đơn đặt hàng có phải hợp đồng hay không?
Mục lục bài viết
Qua bài viết này Công ty Luật Minh Gia đem đến cho quý khách hàng những thông tin cơ bản về đơn đặt hàng như sau:
1. Đơn đặt hàng là gì?
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định giải thích cụ thể như thế nào là đơn đặt hàng. Tuy nhiên, về mặt khoa học có thể hiểu: Đơn đặt hàng là nguồn chứa đựng thông tin liên quan đến yêu cầu cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ với số lượng cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định theo mức giá và phương thức thanh toán đã được định trước.
Theo đó, đơn đặt hàng là một căn cứ để chứng minh giữa các bên đã xác lập giao dịch dân sự; đồng thời là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Vì vậy, các thông tin chứa đựng trong đơn đặt hàng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh sau này; đặc biệt là trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thêm về hợp đồng mua bán hàng hóa.
Các nội dung cơ bản của đơn đặt hàng bao gồm:
- Thông tin chi tiết và đầy đủ của các bên: Họ tên, địa chỉ, thông tin liên lạc,…;
- Mô tả chi tiết về loại hàng hóa, dịch vụ cần đặt; số lượng; thông số kỹ thuật; chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
- Thông tin giá theo niêm yết hoặc yêu cầu thỏa thuận thêm;
- Điều kiện giao hàng;
- Điều kiện thanh toán,…
Thông thường, đơn đặt hàng có những đặc trưng cơ bản như sau:
- Các bên trong giao dịch đặt hàng có thể đã có thỏa thuận trước hoặc chưa từng thỏa thuận về việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ;
- Đơn đặt hàng không phải là căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự nếu bên nhận đặt hàng từ chối cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
2. Đơn đặt hàng có phải là hợp đồng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Theo đó, hợp đồng mang đặc trưng cơ bản nhất chính là:
- Luôn luôn tồn tại sự thỏa thuận giữa các bên;
- Hợp đồng là căn cứ để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên trong quan hệ hợp đồng.
Bởi vì hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên nên các thông tin được thỏa thuận trong hợp đồng có thể linh động về sự đa dạng và đầy đủ hơn so với đơn đặt hàng. Trong đó, các nội dung hợp đồng thường bao gồm:
- Thông tin các bên trong quan hệ hợp đồng: Họ tên, địa chỉ, thông tin liên lạc;
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp,…
Mặc dù hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định đơn đặt hàng có phải là hợp đồng hay không. Tuy nhiên, xét về bản chất của đơn đặt hàng và hợp đồng dân sự theo những dữ liệu đã phân tích trên đây có thể thấy rõ điểm khác biệt giữa đơn đặt hàng và hợp đồng. Do đó, để xác định một đơn đặt hàng có phải là hợp đồng hay không thì cần phải xem xét rõ sự thỏa thuận giữa các bên và nội dung cụ thể trong đơn đặt hàng.
Trong trường hợp đơn đặt hàng chỉ thể hiện nội dung yêu cầu cung cấp hàng hóa mà các bên không thỏa thuận gì thêm hoặc đơn đặt hàng phát sinh đồng thời với thỏa thuận mua bán hàng hóa thì đơn đặt hàng không phải là hợp đồng mà chỉ là căn cứ chứng minh hợp đồng đã được giao kết trước đó.
Trường hợp đơn đặt hàng chứa đựng đầy đủ các thông tin về sự thỏa thuận, loại hàng hóa, số lượng, chất lượng hàng hóa cần đặt, giá cả, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên,… như một bản hợp đồng hoàn chỉnh thì đơn đặt hàng đó có thể được coi là một hợp đồng dân sự.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất