Đinh Ngọc Huyền

Đối thoại là gì? Đối thoại khi giải quyết tranh chấp thế nào

Nhằm tiết kiệm thời gian công sức của người dân, đồng thời bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, qua đó khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại tòa án thông qua Luật Hòa giải. Vậy đối thoại là gì? Đối thoại khi giải quyết tranh chấp thế nào? Luật Minh Gia xin được tư vấn về vấn đề này như sau.

1. Đối thoại là gì?

Đối thoại là hoạt động giao tiếp bằng lời nói từ 02 người trở lên, dùng ngôn ngữ, lời nói để truyền đạt, diễn đạt suy nghĩ, quan điểm của bản thân hay một vấn đề nào đó.

Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sử dụng mà đối thoại lại mang ý nghĩa khác nhau. Dù mang hàm nghĩa như thế nào, đối thoại vẫn là việc tranh luận, trao đổi trực tiếp giữa 02 người trở lên bằng những hình thức khác nhau.

- Đối thoại tại nơi làm việc: là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi (điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019).

- Đối thoại tại Tòa án: là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này (khoản 3 điều 2 Luật Hòa giải đối thoại năm 2020).

2. Đối thoại khi giải quyết tranh chấp thế nào?

Luật Hòa giải đối thoại năm 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động đối thoại; trình tự, thủ tục đối thoại và công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án, cụ thể như sau:

* Quyền của các bên tham gia đối thoại tại Tòa án:

- Đồng ý hoặc từ chối tham gia đối thoại hoặc chấm dứt đối thoại;

- Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia đối thoại;

- Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

- Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại;

- Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;  

- Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quảđối thoại, giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

- Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả đối thoại thành;

- Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã đối thoại thành;

- Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận đối thoại thành theo quy định của Luật.

* Nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

- Tuân thủ pháp luật;

- Tham gia đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

- Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;  

- Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này;  

- Chấp hành quy chế đối thoại tại Tòa án; 

- Thực hiện các nội dung đã đối thoại thành.

* Trình tự, thủ tục đối thoại và công nhận kết quả đối thoại tại Tòa án:              

Hoạt động đối thoại tại Tòa án chỉ được thực hiện đối với các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những trường hợp không tiến hành đối thoại theo quy định của Luật này, đồng thời phải được sự đồng ý của các bên tham gia đối thoại. Luật quy định trình tự, thủ tục đối thoại như sau:  

- Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Xác định khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và không thuộc những khiếu kiện hành chính không tiến hành đối thoại tại Tòa án.         

- Gửi thông báo cho các bên về quyền được lựa chọn đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên và chỉ định Hòa giải viên. 

- Hòa giải viên tiến hành đối thoại nếu các bên đồng ý tham gia đối thoại; hoặc Tòa án chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu một trong các bên không đồng ý đối thoại.

Việc đối thoại có thể được tiến hành bằng nhiều phương thức khác nhau theo Luật này. Thời hạn đối thoại là không quá 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên tham gia đối thoại có thể thống nhất kéo dài thời hạn đối thoại nhưng không được quá 02 tháng.

- Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả đối thoại tại Tòa án.

Khi các bên tham gia đối thoại đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ khiếu kiện hành chính thì Hòa giải viên tổ chức phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, kết quả đối thoại có sự tham gia của Thẩm phán phụ trách đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công.  

- Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án.

Tòa án xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận khi có đủ hai điều kiện:

+ Có biên bản ghi nhận kết quả đối thoại tại Tòa án;

+ Người tham gia đối thoại yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án.

-  Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để xem xét ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành.

Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định của Luật.

3. Những trường hợp không tiến hành đối thoại

Theo quy định tại điều 19 Luật Hòa giải đối thoại năm 2020, những trường hợp sau đây không tiến hành đối thoại:

- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành đối thoại.

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo