Đinh Ngọc Huyền

Điều lệ trường mầm non là gì? Gồm những nội dung nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay quyền và nhiệm vụ của Giáo viên mầm non cũng như quyền của trẻ em khi được cha, mẹ gửi gắm tại Trường mầm non được quy định tại Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT năm 2020. Vậy Điều lệ Trường mầm non là gì? Điều lệ Trường mầm non bao gồm những nội dung gì? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến Điều lệ Trường mầm non để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Tư vấn quy định về điều lệ trường mầm non

Trẻ em được coi là những mầm non tương lai của đất nước, sự an toàn về thể chất và tinh thần là điều kiện vô cùng quan trọng đối với các bậc phụ huynh khi gửi gắm trẻ đến các trường mầm non. Hiện nay có khá nhiều bậc phụ huynh còn hoang mang không biết gửi trẻ đến các trường mầm non nào để đảm bảo an toàn cho con của mình. Thấu hiểu vấn đề này, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT năm 2020 nhằm quy định cụ thể về Điều lệ của Trường mầm non.

Theo đó, Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định các vấn đề chung về Trường mầm non bao gồm:

- Tổ chức và quản lý nhà trường;

- Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;

- Tài sản và tài chính nhà trường;

- Quyền, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên;

- Trẻ em;

- Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

2. Nội dung điều lệ Trường mầm non theo quy định

Thứ nhất: Điều lệ trường mầm non là gì?

Theo quy định tại điều 1 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT năm 2020 quy định như sau:

 Điều lệ trường mầm non là điều lệ quy định về: vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức trường mầm non; tổ chức và quản lý nhà trường; tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tài chính, tài sản; giáo viên và nhân viên; trẻ em; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Điều lệ này áp dụng đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ (sau đây gọi chung là trường mầm non); tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non.

Thứ hai: Nội dung điều lệ trường mầm non

* Tổ chức và quản lý trường mầm non

- Điều kiện thành lập trường mầm non

Nhà trường được thành lập khi có đủ các điều kiện sau:

+ Có đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường, nhà trẻ.

- Cơ cấu tổ chức trường mầm non: 

Cơ cấu tổ chức của nhà trường gồm: hội đồng trường, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn, tổ văn phòng; các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.

* Phân loại nhóm trẻ em trong trường mầm non

- Trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo. Trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:

+ Nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi: 15 trẻ;

+ Nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ;

+ Nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ

- Trường hợp số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép và mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật.

* Các loại hình tổ chức của trường mầm non

- Nhà trường do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

- Nhà trường công lập do cơ quan Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

- Nhà trường tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

* Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Phạm vi hoạt động của trường mầm non được quy định cụ thể trong phần này của điều lệ. Các hoạt động của trường bao gồm: hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và hoạt động nuôi dưỡng trẻ em. Theo đó, nhà trường có kế hoạch đánh giá kết quả và lưu vào sổ theo dõi, hồ sơ quản lý.

+ Kiểm tra sức khỏe trẻ em: tối thiểu một lần trong một năm học.

+ Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên các biểu đồ tăng trưởng theo quy định: mỗi tháng 01 lần đối với trẻ em dưới 24 tháng, 03 tháng 01 lần đối với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên.

 * Tài sản của trường mầm non

Phần này quy định về các loại tài sản và điều kiện đối với cơ sở vật chất của trường mầm non để đảm bảo cho hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em của trường mầm non.

* Tiêu chuẩn, Nhiệm vụ, quyền của Giáo viên, nhân viên trường mầm non

Giáo viên mầm non phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ giáo dục – Đào tạo là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non. Đề phục vụ tốt hơn cho công việc chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên còn được cử đi học để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn được hưởng lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật khi được cử đi học.

Giáo viên trường mầm non có nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc trẻ em và các quyền, nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ. Cụ thể như sau:

- Giáo viên mầm non có các quyền sau:

+ Được đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

+ Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.

+ Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự.

+ Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Điều lệ trường mầm non cũng quy định các nhiệm vụ của giáo viên bao gồm:

+ Bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

+ Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non: lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; Xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Đánh giá và quản lý trẻ em; Chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

+ Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

* Trẻ em

Trẻ em theo học tại các trương mầm non có quyền được chăm sóc, giáo dục, tham gia các hoạt động rèn luyện về thể chất và tinh thần và có nhiệm vụ theo quy định của điều lệ trường mầm non.

* Quan hệ giữa trường mầm non với gia đình và xã hội

Đây là phần cuối cùng của quy chế, khẳng đinh vai trò và trách nhiệm của trường mầm non đối với gia đình và xã hội. Bên cạch đó, điều lệ cũng quy định về trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc phối hợp với nhà trường để đảm bảo việc giáo dục và chăm sóc trẻ em được tốt nhất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169