Đinh Thị Minh Nguyệt

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động khi NLĐ bị tai nạn trên đường làm việc

Nội dung yêu cầu tư vấn: Em có câu hỏi rất mong luật sư tư vấn giúp em. Vào ngày 12/03/2016 trên đường đi làm về em bị tai nạn giao thông, e bị gãy tay và phải mổ để đóng đinh.


Em cũng không nhớ làm sao mình bị tai nạn chỉ nghe thấy bố kể lại do người đi đằng trước em bị ngã do phanh gấp nên em bị ngã theo. Nhưng e vẫn chưa đến chỗ người bị ngã đằng trước. Cảnh sát giao thông kết luận cả 2 đều tự ngã và không ai phải bồi thường ai và không ai có lỗi. Đến gần cuối tháng 3 em đi làm trở lại và có nộp đầy đủ thủ tục cho bên văn phòng để làm thủ tục làm bảo hiểm cho em. Em luôn luôn dục mấy chị ấy làm bảo hiểm cho e các chị ấy bảo là bận không làm được sớm cho em. Luật sư cho em hỏi trong trường hợp bị tai nạn của em có phải là tai nạn lao động không? Nhân viên làm bảo hiểm bên em nói rằng trường hợp của e không làm được hồ sơ tai nạn lao động vì thời gian quá lâu rồi. Chị ấy chỉ có thể làm bảo hiểm ốm đau chỉ được trợ cấp 32% thì có đúng không ạ? Trong trường hợp công ty chậm trễ làm các thủ tục cho em thì công ty có phải chịu trách nhiệm gì không ạ? Rất mong sớm nhận được phản hồi của luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 04/2015/TT – BLĐTBXH về trường hợp được bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù như sau:

Điều 5. Bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù

...

2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư này”.

Theo như quy định trên, trường hợp của bạn bị tai nạn giao thông không do lỗi của ai  nên bạn sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại điều 142 BLLĐ 2012.

Tuy nhiên, trường hợp này bạn sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 26, 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

...

Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau

" 1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

...

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày."

Như vậy, nếu bạn thuộc trường hợp ốm đau bình thường sẽ được hưởng  75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

- Sổ Bảo hiểm xã hội.

- Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Bản sao Chứng minh nhân dân/hộ chiếu;

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động khi NLĐ bị tai nạn trên đường làm việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Cv. Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo