Đinh Thị Minh Nguyệt

Đầu tư công là gì? Đặc điểm pháp lý của đầu tư công?

Đầu tư công là một trong những nội dung trọng điểm trong số các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đối với nước ta hiện nay, đầu tư công được thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tập trung nhất vào một số vấn đề như xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Trong phạm vi bài viết, Luật Minh Gia xin gửi tới quý bạn đọc một số quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này như sau.

1. Đầu tư công là gì?  

Pháp luật hiện hành quy định về vấn đề đầu tư công thông qua Luật đầu tư công 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, về khái niệm, theo khoản 15 điều 4 Luật đầu tư công 2019: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.”

Trong đó, các hoạt động thuộc phạm vi đầu tư công bao gồm: lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

2. Đối tượng đầu tư công 

Đối tượng đầu tư công được hiểu là những lĩnh vực cụ thể mà pháp luật quy định Nhà nước thực hiện chủ trương đầu tư, theo điều 5 Luật đầu tư công 2019, bao gồm: 

“Điều 5. Đối tượng đầu tư công

1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

2. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

4. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

5. Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

6. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng quy định tại khoản này.”

Trên cơ sở những đối tượng của đầu tư công mà pháp luật quy định, Nhà nước tiến hành các hoạt động đầu tư trong đó đảm bảo nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công. 

3. Phân loại dự án đầu tư công 

Trước hết, Luật đầu tư công 2019 định nghĩa dự án đầu tư công là những dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công. Theo đó, việc phân loại các dự án này có thể dựa trên các căn cứ khác nhau, theo quy định tại điều 6 Luật đầu tư công 2019: 

“Điều 6. Phân loại dự án đầu tư công

1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.

2. Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 của Luật này.”

Ngoài các cách trên, dự án đầu tư công còn có thể phân loại theo tiêu chí nguồn vốn hoặc phạm vi và mục tiêu đầu tư, … tùy theo mục đích của chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư công. 

4. Đặc điểm pháp lý của đầu tư công 

Từ những quy định nêu trên và thực tiễn áp dụng, có thể xác định những đặc điểm của đầu tư công như sau: 

Thứ nhất, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước. Cụ thể, từ việc lên kế hoạch, chủ trương cho đến phê duyệt, ra quyết định đầu tư đều được thực hiện bởi Nhà nước thông qua việc phân cấp quản lý cho những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy vậy, những dự án đầu tư cũng có thể được thực hiện dựa trên cơ chế đấu thầu, theo đó nhà thầu thắng thầu trong thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước có thể là các doanh nghiệp nhà nước, cũng có thể là các doanh nghiệp khu vực tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đầu tư công là từ Nhà nước. Theo Luật đầu tư công 2019, nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn từ vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. 

Thứ ba, mục tiêu của hoạt động đầu tư công là nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Thực tiễn cho thấy, một trong những lĩnh vực chủ yếu trong hoạt động đầu tư công là theo đuổi các mục tiêu của chính sách công, cụ thể như: đầu tư thành lập các doanh nghiệp Nhà nước để giữ vị trí then chốt, chủ đạo, đủ khả năng là công cụ của Nhà nước điều tiết nền kinh tế, đồng thời cũng vì các mục tiêu kinh doanh, tạo thu nhập tài chính cho Nhà nước; đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế nhưng tư nhân không đầu tư; đầu tư để khỏa lấp những “lỗ hổng” của nền kinh tế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoặc vì các mục tiêu khác của chính sách công như: phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; tạo việc làm; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền; phát triển vùng biên giới, hải đảo, gắn chính sách phát triển kinh tế – xã hội với an ninh, quốc phòng…

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169