Nguyễn Nhàn

Dân quân tự vệ là gì? Quy định về nghĩa vụ dân quân tự vệ?

Xuất phát từ nguyên tắc chung được quy định tại Hiến pháp năm 2013 về việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh, rộng khắp và làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thì hiện nay lực lượng dân quân tự vệ của nước ta đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thế trận Quốc phòng toàn dân bên cạnh lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương. Đây là một trong những thành công của nước ta trong công cuộc bảo vệ đất nước ở thời bình.

Theo quy định của pháp luật, các chế định về Dân quân tự vệ ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho lực lượng này thực hiện các trách nhiệm của mình đối với đất nước và đối với nhân dân.

Thông qua bài viết này, Luật Minh Gia đem đến cho quý khách hàng một số vấn đề liên quan đến Dân quân tự vệ như sau:

1. Dân quân tự vệ là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ”. Trước đây, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2009 không tách rời rõ khái niệm về dân quân tự vệ và vị trí, chức năng của dân quân tự vệ dẫn đến việc khó phân định giữa khái niệm và vị trí, chức năng của dân quân tự vệ. Vì vậy, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 đã quy định rõ ràng, khoa học hơn.

Lực lượng Dân quân tự vệ được chia thành: Dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động, dân quân thường trực, dân quân tự vệ biển. Các lực lượng này được tổ chức theo đặc thù của từng vùng miền với điều kiện xã hội khác nhau.

2. Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ

Bởi vì lực lượng dân quân tự vệ là một phần của lực lượng vũ trang, được tổ chức nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội tại cơ sở và cùng nhân dân địa phương đánh giặc khi có chiến tranh nên lực lượng dân quân tự vệ có các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, phối hợp với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang khác (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân) trên địa bàn để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

Thứ tư, tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, phòng, chống, khắc phục hậu quản thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

Và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

Việc tham gia dân quân tự vệ là nghĩa vụ của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi đối với nam, từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi đối với nữ; trường hợp tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, hết 45 tuổi đối với nữ.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ có thể kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi nêu trên.

Để có thể tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ, công dân Việt Nam ngoài điều kiện về độ tuổi còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có lý lịch rõ ràng;
  • Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
  • Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

Công dân thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ có thể được tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc diện gia đình chính sách như: Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giớ một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; là lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên,… và một số trường hợp khác.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo