Nguyễn Thu Trang

Đại sứ quán là gì? Chức năng, nhiệm vụ của đại sứ quán

Đối với mỗi một quốc gia, việc ngoại giao đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nắm giữ vị trí then chốt để nâng cao vị thế, quan hệ hợp tác giữa các nước và quốc tế. “Đại sứ quán” chắc hẳn không còn xa lạ với người nước ngoài tại Việt Nam, người Việt Nam tại nước ngoài khi muốn thực hiện các thủ tục hành chính. Vậy đại sứ quán là gì? Chức năng nhiệm vụ của đại sứ quán thế nào?...

1. Đại sứ quán là gì?

Cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan nhà nước, có trụ sở trên lãnh thổ quốc gia khác để thực hiện quan hệ ngoại giao với quốc gia đó.

 Cơ quan đại diện ngoại giao được thành lập theo thỏa thuận giữa hai quốc gia. Cơ quan này đại diện cho quốc gia về tất cả các lĩnh vực trong quan hệ với nước nhận đại diện và quan hệ với cơ quan địa diện ngoại giao của các quốc gia khác ở nước nhận đại diện.

Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao cao nhất của một nước ở nước ngoài. Người đứng đầu đại sứ quán là đại sứ.

2. Cơ cấu, tổ chức của đại sứ quán

Cơ cấu tổ chức của đại sứ quán được sắp xếp khác nhau và được quy định căn cứ vào truyền thống và đặc trưng của các mối quan hệ giữa nước cử đại diện với nước nhận đại diện. Thông thường, trong đại sứ quán có các bộ phận: văn phòng, phòng chính trị, phòng kinh tế, phòng văn hóa, phòng lãnh sự, tùy viên quân sự.

Thành viên của đại sứ quán được chia ra làm ba loại: Viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính – kỹ thuật, nhân viên phục vụ.

- Viên chức ngoại giao gồm những người có hàm hoặc chức vụ ngoại giao (còn được gọi là người có thân phận ngoại giao), bao gồm: đại sứ; tham tán; tùy viên quân sự; bí thư thứ nhất, thứ hai, thứ ba; tùy viên.

- Nhân viên hành chính – kỹ thuật là những người làm các công việc về hành chính và kỹ thuật trong cơ quan đại diện ngoại giao như phiên dịch, tài vụ, văn thư,…

- Nhân viên phục vụ là những người làm các công việc phục vụ cho đại sứ quan như lái xe, bảo vệ, thợ điện nước, quét dọn, nấu ăn,…

Đối với đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức bộ máy và biên chế theo quy định của pháp luật như sau:

- Biên chế của cơ quan đại diện bao gồm cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao và căn cứ vào yêu cầu công tác, có cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan hữu quan làm việc theo chế độ biệt phái phù hợp với quy định của pháp luật (sau đây gọi là cán bộ biệt phái).

- Trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ yêu cầu hoạt động và quan hệ đối ngoại, sau khi trao đổi thống nhất với các cơ quan hữu quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng cơ quan đại diện để phụ trách các lĩnh vực sau đây:

  • Chính trị;
  • Quốc phòng - an ninh;
  • Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ;
  • Văn hóa, thông tin, báo chí và giáo dục - đào tạo;
  • Lãnh sự và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
  • Hành chính, lễ tân, quản trị.

3. Chức năng, nhiệm vụ của đại sứ quán

Chức năng, nhiệm vụ của đại sứ quán được quy định trong Điều ước quốc tế và trong pháp luật quốc gia, bao gồm:

- Thay mặt cho nhà nước mình tại nước nhận đại diện;

- Bảo vệ quyền lợi của nhà nước và công dân nước mình ở nước nhận đại diện (bảo hộ ngoại giao);

- Đàm phán với chính phủ nước nhận đại diện;

- Bằng những phương pháp hợp pháp, tìm hiểu về điều kiện và sự tiến triển của tình hình nước nhận đại diện và báo cáo với chính phủ nước mình;

- Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa, khoa học giữa nước mình với nước nhận đại diện.

Ngoài các chức năng trên, ngày nay, đại sứ quán cũng có thể thực hiện cả chức năng lãnh sự, vì thế trong đại sứ quán của các nước thường có phòng lãnh sự.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đại sứ quán là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận.

Đại sứ quán có thể thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm.

Đại sứ quán có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận và có quyền kiểm tra hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện lãnh sự tại quốc gia tiếp nhận.

Cụ thể, các nhiệm vụ, quyền hạn của đại sứ quán Việt Nam gồm:

  • Thúc đẩy quan hệ chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh
  • Phục vụ phát triển kinh tế đất nước
  • Thúc đẩy quan hệ văn hóa
  • Thực hiện nhiệm vụ lãnh sự
  • Hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
  • Thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại
  • Quản lý cán bộ và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện
  • Phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn