Công chứng, chứng thực hợp đồng phải có mặt cả hai bên?
1. Luật sư tư vấn về pháp luật đất đai
Đất đai là bất động sản có đăng ký và có giá trị lớn đối với mỗi gia đình, cá nhân, tổ chức. Vì vậy, pháp luật quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến chuyển quyền sử dụng đối với loại tài sản này. Hiện nay, việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn...phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Việc các bên không công chứng, chứng thực các giao dịch trên dẫn đến giao dịch bị vô hiệu. Vậy, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao dịch có đối tượng là bất động sản là gì?
Để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật về việc công chứng, chứng thực khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai, bạn có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.6169 để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề mình đang vướng mắc.
2. Tư vấn về việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch về đất đai
Nội dung tư vấn: Xin chào các luật sư. Tôi hiện đang sống trên diện tích đất được cậu ruột cho phía cùng sau nhà cậu ấy. Tháng 2/2017 thì cậu đã viết giấy tay để xác nhận việc cho nhà tôi phần đất đấy với chữ kí của cả 2 bên. Mẹ tôi có mang lên phường công chứng xác thực để phòng chuyện tranh chấp sau này nhưng phía phường không chấp nhận, và hướng dẫn mẹ tôi lên sở Tư pháp. Nhưng có một vấn đề, để giấy được xác thực ở sở tư pháp thì cần có mặt cả bên cho và bên nhận nhưng cậu tôi lại từ chối đi cùng. Nhưng theo tôi biết thì việc chứng thực có thể thực hiện tại phường nhưng sao khu vực tôi sống lại không chấp nhận? Tôi rất muốn hỏi các luật sư liệu có cách nào công chứng xác thực mà cậu tôi không cần phải có mặt không ạ. Rất mong được sự giúp đỡ từ các vị.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã”.
Theo đó, hợp đồng tặng cho đất (hay chính là chuyển nhượng quyền sử dụng đất) mà 2 bên đã ký bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh nơi có đất, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Và như vậy, bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc chứng thực hợp đồng tại Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) và bạn có thể yêu cầu cơ quan này giải trình lí do bằng văn bản,cũng như khiếu nại về việc cơ quan này từ chối chứng thực.
Đối với trường hợp chứng thực tại Ủy ban, theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể là: “Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực…” thì cậu của bạn phải có mặt để thực hiện việc ký vào bản hợp đồng về việc chuyển quyền sử dụng đất trong bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực. Và nếu cậu của bạn vẫn từ chối việc lên Ủy ban phường thì bạn sẽ không thể chứng thực được.
Tuy nhiên, trường hợp của bạn có thể không cần đến sự có mặt của người cậu khi tiến hành công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định:
“1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng”.
Và trong trường hợp này, chỉ cần bên gia đình bạn ký vào bản hợp đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất