Đinh Thị Minh Nguyệt

Chứng chỉ tiền gửi là gì theo quy định?

Trên thị trường tài chính, chứng chỉ tiền gửi càng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những kênh đầu tư đem lại lợi ích lớn cho người sở hữu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại chứng chỉ này, cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Để tìm hiểu cụ thể vấn đề này, quý bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Chứng chỉ tiền gửi là gì?

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định: “Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.”

Như vậy, có thể định nghĩa chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Tương tự sổ tiết kiệm, ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Chứng chỉ tiền gửi được chia thành 3 loại chính:

+ Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu.

+ Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Chứng chỉ tiền gửi vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi. Loại chứng chỉ này hiện được áp dụng rất phổ biến.

+ Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn.

2. Nguyên tắc phát hành chứng chỉ tiền gửi

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Thông tư này khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải thường xuyên duy trì để được phát hành chứng chỉ tiền gửi, bao gồm:

+ Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;

+ Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng;

+ Tỷ lệ khả năng chi trả;

+ Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

+ Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

+ Giới hạn góp vốn, mua cổ phần.

3. Nội dung chứng chỉ tiền gửi

Việc biết rõ những nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Căn cứ theo Khoản 3 Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định, nội dung chứng chỉ tiền gửi bao gồm:

+ Tên tổ chức phát hành;

+ Tên gọi chứng chỉ tiền gửi;

+ Ký hiệu, số sê-ri phát hành;

+ Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các chữ ký khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định;

+ Mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán;

+ Lãi suất, phương thức trả lãi, thời điểm trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi;

+ Họ tên, số Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, địa chỉ của người mua (nếu người mua là cá nhân); tên tổ chức mua, số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp), địa chỉ của tổ chức mua (nếu người mua là tổ chức);

+ Đối với chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phát hành, ghi rõ người sở hữu chỉ được chuyển quyền sở hữu cho tổ chức;

+ Các nội dung khác của chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định.

4. Lợi ích của người sở hữu chứng chỉ tiền gửi

Thứ nhất, cả gốc lẫn lãi của khoản tiền gửi hay nguồn vốn trong thời gian thực hiện gửi đều được chắc chắn đảm bảo một cách an toàn tuyệt đối. Do đó sản phẩm tiền gửi này được xem là một kênh đầu tư an toàn, sinh lời cao, ít rủi ro đối với khách hàng có nguồn vốn lớn như cá nhân kinh doanh, hay doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thứ hai, chứng chỉ tiền gửi có mức lãi suất ưu đãi hơn so với lãi suất khi gửi tiết kiệm thông thường, trong trường hợp người gửi muốn đạt được tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn vốn, tài khoản thì chứng chỉ tiền gửi sẽ là lựa chọn tối ưu nhất.

Thứ ba, dễ dàng trong việc chuyển nhượng, cầm cố chứng chỉ tiền gửi, giúp người gửi linh hoạt trong sử dụng vốn khi họ có nhu cầu muốn sử dụng tiền gấp hoặc là không muốn sở hữu chứng chỉ tiền gửi này nữa mà không làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169