Đinh Thị Minh Nguyệt

Đầu cơ là gì? Đầu cơ bị xử phạt thế nào?

Từ trước đến nay, việc đầu cơ tích trữ không phải vấn đề thường xuyên xảy ra trong xã hội. Tuy vậy, những năm gần đây, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hành vi đầu cơ lại càng trở nên phổ biến, tinh vi bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân gia tăng nhanh chóng đối với một số mặt hàng cụ thể. Chúng ta đã được thấy Cục quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm tội đầu cơ. Do vậy, để gửi đến quý bạn đọc những kiến thức pháp luật liên quan đến quy định này, công ty Luật Minh Gia xin đưa ra tư vấn qua bài viết sau.

1. Đầu cơ là gì?

Theo pháp luật hiện hành, khái niệm về đầu cơ được hiểu thông qua quy định về mức xử lý hình sự đối với tội đầu cơ theo điều 196 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, ''Đầu cơ là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.”

Từ định nghĩa trên, có thể tóm tắt hành vi đầu cơ qua 3 đặc điểm sau:

- Lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo của hàng hóa trong thời kì dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh hoặc khó khăn về kinh tế.

- Thu mua, tích trữ hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc được Nhà nước định giá. Cụ thể, bình ổn giá theo quy định là “việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.” (Khoản 10 điều 4 Luật giá 2012).

- Thu lợi bất chính:  Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá hành vi của cá nhân, tổ chức có thuộc trường hợp đầu cơ hay không.

2. Tác hại của đầu cơ đối với nền kinh tế

Pháp luật ngăn cấm và xử phạt đối với hành vi đầu cơ do những tác hại của nó đối với nền kinh tế, cụ thể như sau:

- Đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường.

- Mục đích của đầu cơ là tạo ra sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường, từ đó, bên đầu cơ có thể bán lại với giá cao gấp nhiều lần so với giá hàng hóa thông thường.

- Hàng hóa khan hiếm, cung không đủ cầu có thể dẫn đến tình trạng gây rối mất trật tự do việc tranh giành mua hàng hóa gây ra.

3. Mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ

Tùy từng hành vi cụ thể, cá nhân, tổ chức đầu cơ hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:

Về mức xử phạt hành chính

Theo điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi khoản 22 điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) cá nhân, tổ chức đầu cơ hàng hóa có thể bị phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:

"Điều 31. Hành vi đầu cơ hàng hóa

"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

6. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Cá nhân, tổ chức có thể tham khảo quy định này nếu hành vi của mình thuộc vào trường hợp đầu cơ theo quyết định của cơ quan nhà nước và nắm được mức xử phạt.

Về mức xử lý hình sự

Trường hợp đầu cơ hàng hóa có quy mô lớn, thuộc trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự, người đầu cơ sẽ bị áp dụng mức xử phạt theo điều 196 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

"Điều 196. Tội đầu cơ

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, căn cứ vào giá trị hàng hóa hoặc lợi nhuận từ việc đầu cơ mà cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn