Cách tính lãi suất ngân hàng, tính lãi suất chiết khấu thế nào?
Mục lục bài viết
Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian (1 tháng hoặc 1 năm). Trong thực tế, cụm từ “lãi suất” đã trở nên khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Vậy lãi suất là gì? Cách tính lãi suất ngân hàng, tính lãi suất triết khấu thế nào?
1. Luật sư tư vấn lãi suất ngân hàng
Lãi suất ngân hàng chính được hiểu là khoản giá của quyền sử dụng một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, mà người mà người sử dụng khoản tiền ấy phải trả cho người sở hữu khoản tiền. Lãi suất ngân hàng thường được thể hiện bằng tỉ lệ phần trăm (%), phần nghìn... trên số tiền gửi hoặc cho vay trong một thời hạn nhất định. Lãi suất tiền gửi và cho vay có thể cao thấp khác nhau tùy theo thời gian gửi hoặc vay dài hay ngắn, tùy loại ngân hàng, phương thức trả trước hay trả sau và tùy vào từng thời kì.
Hiện nay, các ngân hàng có nhiều loại lãi suất, như: lãi suất theo nguồn sử dụng, lãi suất theo giá trị thực, lãi suất theo thời gian, lãi suất theo phương thức thả...
Trường hợp có nhu cầu vay hoặc gửi tiết kiệm đòi hỏi bạn tham khảo lãi suất của từng ngân hàng thông qua mạng hoặc báo chí tại thời điểm bạn muốn tham gia dịch vụ tài chính.
Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về vấn đề này, bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia, luật sư và các chuyên viên của chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo bài viết mà chúng tôi phân tích dưới đây.
2. Cách tính lãi suất ngân hàng, lãi suất chiết khấu
Thứ nhất: Cách tính lãi suất gửi tiết kiệm
- Lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn
Gửi tiền ngân hàng không kỳ hạn là hình thức gửi tiết kiệm không có mức kỳ hạn kèm theo. Tức người gửi có thể rút tiền mặt bất cứ thời điểm nào và không cần thông báo trước với ngân hàng.
Theo đó, cách tính lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn được thực hiện theo công thức:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/360
Ví dụ:
Anh A gửi tiết kiệm 70 triệu đồng không kỳ hạn tại ngân hàng có mức lãi suất là 4.5%/năm. Thời điểm Khách hàng rút số tiền gửi đó là 06 tháng (180 ngày). Cách tính lãi suất ngân hàng cho tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp này như sau:
Tiền lãi = 70.000.000 x 4.5% x 180/360 = 1.575.000 đồng
- Lãi suất gửi tiết kiệm có kỳ hạn
Cách tính lãi suất ngân hàng cho trường hợp này như sau:
Số tiền lãi theo ngày = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360.
Hoặc:
Số tiền lãi theo tháng = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.
Ví dụ:
Anh B gửi tiết kiệm 60 triệu đồng với kỳ hạn 1 năm tại Ngân hàng có mức lãi suất là 6.0 %/năm. Đến kỳ hạn 1 năm, B có thể rút số tiền đã gửi ra. Cách tính lãi suất ngân hàng cho số tiền tiết kiệm trong trường hợp này như sau:
Số tiền lãi = 60.000.000 x 6.0% = 3.600.000 đồng
Nếu đăng ký gói gửi kỳ hạn 6 tháng, số tiền lãi = 60.000.000 x 6.0% x 180/360 = 1.880.000 đồng
Với dịch vụ gửi tiết kiệm có kỳ hạn, số tiền gửi sẽ được quy định một mức kỳ hạn đi kèm với mức lãi suất cam kết. Ngân hàng sẽ đưa ra nhiều mức kỳ hạn khác nhau cho khách hàng lựa chọn theo nhu cầu, ví dụ gửi tiết kiệm hàng tháng, quý, năm,…
Thứ hai: Cách tính lãi suất vay
- Cách tính lãi suất vay theo số dư nợ gốc.
Với cách tính lãi suất vay theo số dư nợ gốc, tiền lãi của mỗi kỳ trả lãi sẽ bằng nhau trong toàn bộ quá trình vay và được tính dựa theo số tiền gốc ban đầu.
Tiền lãi hằng tháng = Dư nợ gốc x Lãi suất vay/Thời gian vay
Ví dụ :
A vay 60 triệu đồng trong 12 tháng với mức lãi suất là 10%/năm.
Số tiền gốc phải trả ngân hàng hằng tháng là: 60.000.000/12 = 5.000.000 đồng
Số lãi phải trả ngân hàng hằng tháng là: (60.000.000 x 10%)/12 tháng = 500.000 đồng
Số tiền phải trả hằng tháng là 5,5 triệu đồng
- Cách tính lãi suất vay theo số dư nợ giảm dần
Cách tính lãi này dựa trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ đi phần nợ gốc người vay đã trả trong những tháng trước đó. Số số dư nợ giảm dần thì tiền lãi mà người vay phải trả cũng sẽ giảm dần.
Công thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần:
+ Tiền gốc hằng tháng = Số tiền vay/Số tháng vay
+ Tiền lãi tháng đầu = Số tiền vay x Lãi suất vay theo tháng
+ Tiền lãi các tháng tiếp theo = Số tiền gốc còn lại x Lãi suất vay
Ví dụ: B vay 30.000.000 đồng, thời hạn trong 12 tháng với mức lãi suất 12%/năm
Tiền gốc trả hằng tháng = 30.000.000/12 = 2.500.000 đồng
Tiền lãi tháng đầu = (30.000.000 x 12%)/12 = 300.000 đồng
Tiền lãi tháng thứ 2 = (30.000.000 – 2.500.000) x 12%/12 = 275.000 đồng
Các tháng tiếp theo tính tương tự như vậy cho đến khi trả hết nợ
Thứ ba: Cách tính lãi suất chiết khấu
Khoản 11 Điều 3 Thông tư 150/2011/TT-BTC năm 2011 quy định: Lãi suất chiết khấu là tỷ lệ phần trăm (%) lãi hàng năm, được dùng làm căn cứ để xác định giá trái phiếu bị hoán đổi, giá trái phiếu được hoán đổi và tỷ lệ hoán đổi giữa trái phiếu bị hoán đổi và trái phiếu được hoán đổi.
Như vậy, lãi suất chiết khấu được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên mệnh giá của giấy tờ có giá và được khấu trừ ngay khi ngân hàng đưa tiền vay cho khách hàng. Đối tượng cho vay là các ngân hàng thương mại.
Cách tính lãi suất chiết khấu: Lãi suất chiết khấu được tính bằng 2 phương pháp sau:
Chi phí huy động vốn
Tính lãi suất chiết khấu bằng chi phí huy động vốn có nghĩa là tỷ lệ lợi tức người bỏ vốn mong muốn thu lại từ dự án. Tức là lãi suất chiết khấu chính là chi phí sử dụng vốn, hay chi phí cơ hội của vốn.
Ví dụ: Nếu bạn rút tiền tiết kiệm với lãi suất 6% để đầu tư thì có thể tính lãi suất chiết khấu là 6%.
Trung bình trọng số chi phí vốn (WACC)
WACC = chi phí sử dụng vốn trung bình của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp có 2 nguồn gọi vốn chính là:
+ Vay thương mại: Tức là chi phí của khoản nợ (cost of debt) là lãi suất của khoản vay (1-tax)*lãi suất;
+ Vốn góp cổ đông: Tức là chi phí vốn cổ phần (cost of equity) là thu nhập mong muốn của cổ đông.
WACC có thể tính bằng chi phí sử dụng trung bình của hai nguồn vốn trên theo công thức:
WACC = re * E/(E+D) + rD(1-TC)* D/(E+D)
Trong đó:
- re: tỷ suất thu nhập mong muốn của cổ đông
- rD: lãi suất mong muốn của chủ nợ
- E: giá thị trường cổ phần của công ty
- D: giá thị trường nợ của công ty
- TC: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- re = [Div0(1+g)/P0] + g
Trong đó:
- P0 là giá cổ phiếu của doanh nghiệp tại thời điểm gốc
- Div0 là cổ tức của cổ phiếu doanh nghiệp tại thời điểm gốc
- g: tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của cổ tức.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất