Đinh Thị Minh Nguyệt

Vay tiền trả góp là gì? Vay trả góp có giới hạn lãi suất?

Hình thức vay trả góp đang dần trở nên phổ biến trong thời gian gần đây do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là đối với những tài sản có giá trị lớn như xe cộ, nhà ở, đất đai,... Khi đó, vay trả góp trở thành một phương thức hữu hiệu và đảm bảo khả năng chi trả cho người vay. Vậy dưới góc độ pháp lý, vấn đề này được quy định thế nào? Tất cả sẽ được làm rõ qua bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Vay tiền trả góp là gì? 

Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính định nghĩa về hình thức cho vay trả góp như sau: “3. Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.”

Đây là quy định áp dụng đối với hợp đồng cho vay giữa công ty tài chính và khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vay tiền trả góp có thể được thực hiện giữa những cá nhân, tổ chức thông thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 nhưng không làm thay đổi tính chất của hình thức vay này. 

Tóm lại, vay tiền trả góp có thể hiểu là hình thức vay mà số tiền gốc và lãi được chia theo nhiều kỳ và trả dần trong thời gian vay theo sự thỏa thuận của các bên nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật.  

2. Các hình thức vay trả góp 

Hiện nay, có 02 hình thức phổ biến mà các tổ chức tín dụng, ngân hàng sử dụng để phát hành các sản phẩm vay trả góp bao gồm: vay thế chấp và vay tín chấp. Cụ thể những hình thức này quy định như sau: 

  • Vay trả góp tín chấp 

Đây là hình thức vay không cần tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân về năng lực trả nợ để phục vụ cho các mục đích cá nhân. Vay trả góp tín chấp chủ yếu được áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng như: mua sắm vật dụng gia đình, sửa chữa nhà cửa, du lịch, cưới xin…

Ưu điểm của vay trả góp tín chấp là thủ tục xét duyệt nhanh chóng, đơn giản và giải ngân nhanh. Tuy nhiên, với hình thức vay này, thông thường khách hàng chỉ vay được số tiền dưới 100 triệu đồng nếu vay thông qua công ty tài chính hoặc dưới 500 triệu đồng nếu thông qua các ngân hàng.

  • Vay trả góp thế chấp 

Đây là hình thức mà bên vay dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên cho vay sẽ dựa vào giá trị của tài sản thế chấp để duyệt hạn mức của khoản vay. Trường hợp khách hàng đến hạn trả nợ mà không trả được hoặc trả không đầy đủ, tài sản này sẽ được xử lý để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, phương thức xử lý đối với tài sản thế chấp được áp dụng theo điều 303 Bộ luật dân sự 2015 như sau: 

Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Các bên có quyền thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố, trường hợp nếu không có thỏa thuận thì tài sản sẽ được bán đấu giá theo quy định.  

Khi vay thế chấp, khách hàng có thể vay được số tiền lớn với lãi suất thấp và thời hạn lâu dài. Tuy nhiên, thủ tục và thời gian xét duyệt sẽ khó khăn hơn so với vay tín chấp.

3. Lãi suất vay trả góp 

Như đã phân tích ở trên, hình thức vay tiền trả góp có thể được thực hiện giữa tổ chức tín dụng và khách hàng hoặc giữa những cá nhân, tổ chức khác trong xã hội với nhau. Tương ứng với mỗi loại hình này, mức lãi suất áp dụng cũng khác nhau, cụ thể: 

Thứ nhất, về việc vay trả góp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng 

Theo quy định tại khoản 1 điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN: “1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, mức lãi suất trong hợp đồng vay trả góp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng do các bên thỏa thuận. Pháp luật hiện hành chỉ quy định về mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn theo Quyết định 1730/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành như sau: 

“Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.”

Do đó, ngoại trừ trường hợp cho vay ngắn hạn thì mức lãi suất giữa tổ chức tín dụng và khách hàng do các bên thỏa thuận và không có giới hạn cụ thể.

Thứ hai, về việc vay trả góp giữa cá nhân, tổ chức khác

Trong trường hợp này, mức lãi suất được áp dụng như đối với hợp đồng vay dân sự. Theo đó, điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định: 

“Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Các bên có quyền thỏa thuận với mức lãi suất tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức tối đa thì sẽ không có hiệu lực và tùy theo mức độ, bên cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169