Nợ xấu ngân hàng là gì? Nợ xấu có phải vi phạm pháp luật?
1. Nợ xấu ngân hàng là gì?
Đối với ngành Ngân hàng, hoạt động nhận tiền gửi rồi cho vay luôn song hành với nhau. Nếu chỉ nhận tiền gửi mà không cho vay thì sẽ không có nguồn thu để trả lãi; mà nếu chỉ cho vay mà không nhận tiền gửi thì cũng sẽ không có nguồn tiền để cho nhiều đối tượng vay như vậy thì hoạt động của ngân hàng bị giới hạn rất nhiều. Có thể thấy đó là hai yếu tố tác động qua lại với nhau, bổ trợ nhau giúp ngân hàng hoạt động tốt các nghiệp của mình. Vì vậy nếu một trong hai bên bị ảnh hưởng thì bên còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Trong hoạt động cho vay của ngân hàng không thể tránh khỏi được vấn đề nợ xấu, vấn đề này nếu không được giải quyết tốt thì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của ngân hàng nhất là khi nợ xấu quá nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả các khoản tiền gửi cho khách hàng và cả những khoản đi vay từ các ngân hàng, tổ chức khác. Có thể thấy hậu quả ảnh hưởng của nó rất lớn và phạm vi ảnh hưởng rất rộng.
Nợ xấu là nợ thuộc nhóm (3) – nợ dưới tiêu chuẩn, nhóm (4) – nợ nghi ngờ và nhóm (5) – nợ có khả năng mất vốn theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Về cơ bản thì đó thường là những khoản nợ quá hạn từ 91 ngày.
2. Người nợ xấu có vi phạm pháp luật?
Vấn đề vay nợ là một vấn đề về dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó tại Điều 466 BLDS 2015 quy định: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng; chất lượng; trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Như vậy, bên vay phải có trách nhiệm trả đủ số nợ của mình cho bên cho vay. Nên có thể nói rằng bên vay mà không trả nợ đúng hạn thì đã vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đa phần những người vay ngân hàng không trả đúng hạn thường là họ đang rơi vào tình trạng rất khó khăn về tài chính không có tài sản để trả nợ. Do đó, dù ngân hàng có kiện họ ra Tòa án để đòi tiền thì việc thi hành án cũng không thể thực hiện khi mà họ không còn tài sản hoặc tài sản chỉ đủ trả một phần cho số nợ đó.
Nhưng vẫn có những trường hợp người vay là cố tình không chịu thanh toán nợ. Hoặc họ đã thực hiện hành vi tẩu tán tài sản để mình rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí họ bỏ trốn. Đối với những hành vi này thì người vay có các dấu hiệu để cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản – vi phạm quy định pháp luật hình sự tại Điều 175 Bộ Luật hình sự 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;”
3. Cách xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện nay
Dựa vào thực tế của các ngân hàng hiện nay, chúng tôi sẽ đưa ra những cách xử lý nợ xấu hiện nay như sau:
Cách 1: Thu hồi nợ thông qua việc phát mãi tài sản đảm bảo và đòi nợ trực tiếp từ người bảo lãnh
Phương án này là việc ngân hàng lấy tiền hoặc tài sản của người thứ ba bù đắp vào khoản tiền mà bên vay đã vay. Phương án này luôn đảm bảo cho ngân hàng thu lại được nguồn tiền cho vay nên rất được ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên, nó chỉ có thể thực hiện khi những khoản vay đó là vay thế chấp hoặc có bảo lãnh mà thôi.
Cách 2: Cơ cấu lại nợ
Là tại thời điểm thu hồi nợ bên vay hiện chưa có khả năng chi trả nhưng với những đánh giá của ngân hàng hoặc từ những thông tin đảm bảo được việc trả nợ từ phía khách hàng trong thời gian tới thì ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để bên vay có thời gian trả nợ cho mình mà phía ngân hàng không phải thực hiện các biện pháp phức tạp khác. Hơn nữa việc này chỉ kéo dài thêm thời gian cho vay mà trong thời gian này vẫn tính lãi nên có thể nói là phương thức này không ảnh hưởng gì đến lợi ích của ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải bên vay nào sau khi được cơ cấu nợ sẽ trả được nợ. Do đó, phương án này thường không có hiệu quả cao giúp ngân hàng thu hồi được nợ.
Cách 3: Mua bán các khoản nợ - chuyển nợ
Việc bán khoản nợ xấu này thường rất khó, vì là nợ xấu nên hầu như sẽ không có ai muốn mua lại. Do đó để bán được các khoản nợ này ngân hàng thường phải bán với mức giá thấp. Ngân hàng có lẽ sẽ chịu thiệt khi bán các khoản nợ đi nhưng so với việc không thu được nợ thì giải pháp này cũng giúp ngân hàng khắc phục được phần lớn thiệt hại.
Cách 4: Giảm, miễn lãi cho khách hàng
Tuy lãi suất ngân hàng thường không cao, nhưng việc được giảm/miễn lãi đối với khách hàng cũng giúp đỡ tài chính cho khách hàng được phần nào đó khi họ đang khó khăn về tài chính. Nhất là vào thời điểm covid, các ngân hàng thực hiện việc giảm/miễn lãi cho rất nhiều khách hàng. Việc giảm, miễn lãi này không chỉ giúp đỡ bên vay về tài chính, còn tạo cho các khách hàng ấn tượng tốt về ngân hàng. Hơn nữa nếu không thu tiền lãi thì ngân hàng cũng không có gì quá thiệt thòi khi mà họ chỉ giảm đi một phần nào đó lợi nhuận có được của họ. So với việc không đòi được nợ gốc và thu hút thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng thì phần lãi này vẫn là không đáng bao nhiêu, vẫn có thể đánh đổi được.
Cách 5: Biện pháp pháp lý
Đây có lẽ là biện pháp cuối cùng được áp dụng khi mà ngân hàng đã sử dụng hết các phương án khác để thu hồi nợ. Như ở phần 2 của bài viết đã phân tích, hành vi không trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên cũng phải tùy thuộc vào từng trường hợp mà khi dùng biện pháp pháp lý mới thu hồi được nợ. Vì đối với những trường hợp mà hiện tại không còn tài sản nào để thi hành án thì không thể làm gì được ngoài việc chờ họ có tiền trả.
Cách 6: Trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro
Về bản chất thì phương án này dùng để khắc phục tạm thời về tài chính của ngân hàng khi khoản nợ xấu đó làm ảnh hưởng mà không phải là một phương án để giúp việc thu hồi nợ đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ đề cập đến vì nó sẽ giúp ngân hàng bù đắp những thiếu hụt cho tới khi thu hồi được những khoản nợ xấu này. Đây là phương án giúp ngân hàng tự đảm bảo an toàn tài chính cho mình khi phải đối mặt với những khoản nợ xấu.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất