Nguyễn Ngọc Ánh

Chưa có sổ BHXH có được hưởng lương hưu không?

Hiện nay, dân số Việt Nam đang già hóa, vì vậy chế độ hưu trí là một trong những chế độ được người lao động đặc biệt quan tâm, hưởng lương hưu hàng tháng giúp cho người lao động đảm bảo đời sống an sinh khi hết tuổi lao động hoặc khi không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, việc hưởng lương hưu sẽ gặp vướng mắc khi người lao động nghỉ việc mà chưa có sổ bảo hiểm xã hội?

1. Sổ bảo hiểm xã hội là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Sổ BHXH là loại sổ dùng để ghi chép quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người tham gia. Những thông tin trong sổ gồm thời gian làm việc, quá trình đóng và hưởng BHXH.

2. Về trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động?

Theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Do đó, thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Chưa chốt sổ BHXH có được hưởng lương hưu không?

Sổ BHXH là sổ dùng để ghi chép quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH. Do đó, đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người tham gia. Những thông tin trong sổ gồm thời gian làm việc, quá trình đóng và hưởng BHXH.

Điều 108 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng lương hưu như sau:

1. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

“a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.

2. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Đơn đề nghị hưởng lương hưu;

c) Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;

đ) Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.”.

Như vậy, sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu quan trọng ghi lại những thông tin bao gồm thời gian làm việc, quá trình đóng và hưởng BHXH, do đó đây là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ hưởng lương hưu. Chính vì vậy, nếu như chưa chốt sổ hưu thì NLĐ không thể hưởng chế độ lương hưu.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo