LS Vy Huyền

Cách tính trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Điều kiện được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như thế nào? Cách tính trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như thế nào? Giải quyết các vấn đề có liên quan.

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư Công ty Luật Minh Gia, cho tôi hỏi trường hợp: Công ty tôi có người đóng BHXH được 08 năm 9 tháng đóng từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2018 thì báo nghỉ và không muốn tiếp tục đóng BHXH nữa mà muốn nhận BHXH 1 lần và cách tính như thế nào, Mong luật sư tính giùm.- Từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2007 mức đóng : 450.000- Từ tháng 01/2008 đến tháng 06/2008 mức đóng : 620.000 - Từ tháng 07/2010 đến tháng 12/2010 mức đóng : 1.500.000- Từ tháng 01/2011 đến tháng 09/2011 mức đóng : 1.700.000 - Từ tháng 10/2011 đến tháng 01/2012 mức đóng : 2.500.000  - Từ tháng 03/2012 đến tháng 05/2012 mức đóng : 2.500.000 - Từ tháng 07/2012 đến tháng 12/2014 mức đóng : 3.000.000- Từ tháng 01/2015 đến tháng 07/2016 mức đóng : 5.500.000- Từ tháng 08/2016 đến tháng 01/2017 : nghĩ hưởng chế độ thai sản- Từ tháng 02/2017 đến tháng 08/2017 mức đóng : 5.500.000  - Từ tháng 01/2018 đến tháng 06/2018 mức đóng : 7.000.000 - Từ tháng 07/2018 đến tháng 12/2018 : nghĩ hưởng chế độ thai sản. Cám ơn Luật Sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 60 về Bảo hiểm xã hội một lần của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có như sau:

 

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
 
b) Ra nước ngoài để định cư;
 
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
 
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e Khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu."

 

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

 

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

 

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

 

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

Đối với trường hợp này của bạn, bạn cần phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 60 thì mới đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật.

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 19 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm. 

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn cách tính tiền bảo hiểm xã hội một lần được áp dụng và tính như sau:

 

Tháng 10/2007- 12/2007: Thời gian: 3 tháng - mức lương là 450.000: 450.000 x 3 = 1.350.000 (đồng)

 

Tháng 01/2008- 06/2008: Thời gian: 6 tháng - mức lương là 620.000: 620.000 x 6 = 3.720.000 (đồng)

 

Tháng 07/2010- 12/2010: Thời gian: 6 tháng - mức lương là 1.500.000: 1.500.000 x 6 = 9.000.000 (đồng)

 

Tháng 01/2011- 09/2011: Thời gian: 9 tháng - mức lương là 1.700.000: 1.700.000 x 9 = 15.300.000 (đồng)

 

Tháng 10/2011- 01/2012: Thời gian: 4 tháng - mức lương là 2.500.000: 2.500.000 x 4 = 10.000.000 (đồng)

 

Tháng 03/2012- 05/2012: Thời gian: 3 tháng - mức lương là 2.500.000: 2.500.000 x 3 = 7.500.000 (đồng)

 

Tháng 07/2012- 12/2014: Thời gian: 30 tháng - mức lương là 3.000.000: 3.000.000 x 30 = 90.000.000 (đồng)

 

Tháng 01/2015- 07/2016: Thời gian: 19 tháng - mức lương là 5.500.000: 5.000.000 x 19 = 95.000.000 (đồng)

 

Tháng 02/2017- 08/2017: Thời gian: 7 tháng - mức lương là 5.500.000: 5.500.000 x 7 = 38.500.000 (đồng)

 

Tháng 01/2018- 06/2018: Thời gian: 6 tháng - mức lương là 7.000.000: 7.000.000 x 6 = 42.000.000 (đồng)

 

Tổng thời gian là: 3 + 6 + 6 + 9 + 4 + 3 + 30 + 19 + 7 + 6 = 93 tháng.

 

Tổng số lương là: 1.350.000 + 3.720.000 + 9.000.000 + 15.300.000 + 10.000.000 + 7.500.000 + 90.000.000 + 95.000.000 + 38.500.000 + 42.000.000 = 312.370.000 (đồng)

 

Mức bình quân là: 312.370.000/93 = 3.358.817 (đồng)

 

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là: 8 năm 9 tháng.

 

Cụ thể, trước năm 2014 bạn đóng được 5 năm 1 tháng, được tính là là 5 năm, 1 tháng được chuyển sang năm sau 2014 là 3 năm 9 tháng được tính là 4 năm.

 

Vậy, Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần bạn được hưởng là: (1.5 x 5 x 3.358.817)+ (2 x 4 x 3.358.817) = 52.061.663 VNĐ

 

Tuy nhiên, bạn lưu ý số tiền BHXH xã hội một lần trên chỉ là tương đối, vì khi chi trả chế độ BHXH một lần, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ được điều chỉnh với hệ số theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó, số tiền BHXH một lần thực nhận của bạn có thể nhiều hơn số tiền mà chúng tôi tạm tính.

 

Trân trọng.

Phòng Luật sư tư vấn lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn