Nguyễn Nhàn

Biển báo nguy hiểm trong giao thông quy định thế nào?

Khi tham gia giao thông đường bộ, việc nhận biết các loại biển báo hiệu đường bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ; đồng thời góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cho bản thân mình và người khác.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, có khá nhiều loại biển báo hiệu khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người thường lúng túng trong việc nhận diện các loại biển báo, đặc biệt là các loại biển báo nguy hiểm. Vì vậy, thông qua bài viết này, Luật Minh Gia mong muốn đem đến cho quý khách hàng các hiểu biết cơ bản về biển báo nguy hiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

1. Các loại biển báo nguy hiểm theo quy định của pháp luật

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, biển báo nguy hiểm là một trong những nhóm biển báo hiệu cảnh báo cho người tham gia giao thông cảnh giác với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trên một tuyến đường cụ thể.

Tại quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019 quy định nhóm biển báo nguy hiểm gồm 47 kiểu, được đánh số thứ tự từ 201 đến 247. Trong đó, có thể kể đến các loại biển báo nguy hiểm thường gặp như sau:

Biển báo nguy hiểm 202a

Biển số 202b “Nhiều chỗ ngoặt nguy hiểm liên tiếp”, báo trước sắp đến nhiều chỗ ngoặt nguy hiểm liên tiếp trong đó chỗ ngoặt đầu tiên hướng vòng bên phải.

Biển báo nguy hiểm 203a

Biển số 203a “Đường bị hẹp cả hai bên”, báo trước sắp đến một đoạn đường bị hẹp đột ngột cả hai bên.

Biển báo nguy hiểm 210

Biển số 210 “Giao nhau với đường sắt có rào chắn”, báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt có rào chắn kín hay rào chắn nửa kín và có nhân viên ngành đường sắt điều khiển giao thông.

Biển báo nguy hiểm 211a

Biển số 211a “Giao nhau với đường sắt không có rào chắn”, báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, không có người điều khiển giao thông.

Biển báo nguy hiểm 215

Biển số 215 “Kè, vực sâu phía trước”, báo trước sắp tới những vị trí có kè chắn vực sâu, hoặc sông suối đi sát đường, cần đề phòng tình huống nguy hiểm rơi xuống vực sâu hoặc sông suối (thường có ở những chỗ ngoặt nguy hiểm).

Biển báo nguy hiểm 221a

Biển số 221a “Đường có ổ gà, lồi lõm” đặt trong trường hợp đường đang tốt, xe chạy nhanh, chuyển sang những đoạn lồi lõm, gập ghềnh, ổ gà, lượn sóng.

Biển báo nguy hiểm 222a

Biển số 222a “Đường trơn”, báo trước sắp tới đoạn đường có thể xảy ra trơn trượt, đặc biệt là khi thời tiết xấu, mưa phùn (hệ số bám của lốp với mặt đường < 0,3), cần hãm phanh, tăng ga, sang số đột ngột hoặc xe chạy với tốc độ cao sẽ bị nguy hiểm.

Biển báo nguy hiểm 225

Biển số 225 “Trẻ em”, báo trước là gần đến đoạn đường thường có trẻ em đi ngang qua hoặc tụ tập trên đường như ở vườn trẻ, trường học, câu lạc bộ.

Biển báo nguy hiểm 28b

Biển số 228b “Đá lở”, báo trước gần tới đoạn đường có hiện tượng đất đá từ trên ta luy dương sụt lở bất ngờ gây nguy hiểm cho xe cộ và người đi đường, đặc biệt là ở những đoạn đường miền núi. Gặp biển này, người lái xe phải chú ý; đặc biệt khi thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn, không dừng hay đỗ xe trong khu vực đá lở sau những trận mưa lớn.

Biển báo nguy hiểm 244

Biển số 244 “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn”, cảnh báo nguy hiểm đoạn đường phía trước thường xảy ra tai nạn để lái xe cần đặc biệt chú ý.

Ngoài các biển báo nguy hiểm thường gặp nêu trên, người tham gia giao thông cần phải được tiếp cận và ghi nhớ tất cả các loại biển báo hiệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định liên quan đến biển báo hiệu giao thông

Thực tế hiện nay cho thấy tình hình người tham gia giao thông vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ do không chấp hành các loại biển báo nói chung và biển báo nguy hiểm nói riêng diễn ra tương đối phổ biến. Theo đó, tùy tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường,…”

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường,…”

Việc quy định về các hình thức xử lý người vi phạm giao thông nói chung và người tham gia giao thông vi phạm các quy định của pháp luật về biển báo hiệu nói riêng thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe người vi phạm và buộc người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó góp phần bảo đảm nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo