Cao Thị Hiền

Các loại biển báo giao thông theo quy định pháp luật

Cùng với người điểm khiển giao thông và đèn tín hiệu giao thông, hệ thống biển báo giao thông là một công cụ không thể thiếu để duy trì trật tự, an toàn giao thông, góp phần điều hướng người điều khiển và phương tiện tham gia giao thông, cũng như tránh ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các loại biển báo giao thông cũng như những ý nghĩa, ký hiệu, dấu hiệu nhận biết của các loại biển báo, chúng tôi sẽ chia sẻ một số thông tin liên quan để bạn đọc tham khảo qua bài viết dưới đây.

1. Biển báo giao thông là gì?

Hiện nay, không có quy định cụ thể nào về khái niệm biển báo giao thông. Tuy nhiên, có thể hiểu: Biển báo giao thông là những biển hiệu được đặt trên đường, có chứa các loại thông tin để biểu thị, truyền đạt đến người tham gia giao thông, giúp họ có thể chấp hành giao thông một cách an toàn và chính xác nhất.

2. Các loại biển báo giao thông

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008, biển báo hiệu đường bộ (biển báo giao thông) gồm 5 nhóm, bao gồm: (i) Biển báo cấm; (ii) Biển báo nguy hiểm; (iii) Biển hiệu lệnh; (iv) Biển chỉ dẫn và (i) Biển phụ. 

3. Ý nghĩa và dấu hiệu nhận biết của các loại biển báo giao thông

- Biển báo cấm:

 Biển báo cấm dùng để biểu thị các điều cấm hoặc hạn chế. Người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm trên biển báo.

Dấu hiệu nhận biết của biển báo cấm: chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Biển báo cấm có mã P (cấm) và DP (hết cấm). 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT, nhóm biển báo cấm gồm có 39 kiểu, được đánh số thứ tự từ biển số 101 đến biển số 140. Một số biển báo cấm thường gặp như: biển P.102 cấm đi ngược chiều; biển P.124 cấm quay đầu xe; biển P.131 cấm đỗ xe,... Đặc biệt là biển báo P.122 hình bát giác mang ý nghĩa “dừng lại”.

- Biển báo nguy hiểm: 

Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra đối với người đi đường. Nhờ đó, người tham gia giao thông có thể phòng ngừa, đưa ra phương án xử lý.

Dấu hiệu nhận biết của biển báo nguy hiểm đó là: có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu. Biển báo nguy hiểm có ký hiệu mã W.

Nhóm biển báo nguy hiểm gồm 47 kiểu, được đánh số thứ tự từ 201 đến 247. Một số biển báo nguy hiểm thường gặp như: biển W.204 đường giao chiều; biển W.210 cảnh báo giao nhau với đường sắt có rào chắn; biển W.244 đoạn đường hay xảy ra tai nạn,...

- Biển báo hiệu lệnh:

Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt).

Dấu hiệu nhận biết của biển báo hiệu lệnh đó là: hình tròn, nền xanh lam, hình vẽ màu trắng. Biển hiệu lệnh có mã ký hiệu là R và R.E

Nhóm biển báo hiệu lệnh gồm 10 kiểu, được đánh số thứ tự từ số 301 đến biển số 310. Một số ví dụ biển báo hiệu lệnh như: biển R.304 đường dành cho xe thô sơ; biển R.420 bắt đầu khu đông dân cư, biển R.E.9a cấm đỗ xe trong khu vực,...

- Biển chỉ dẫn:

Biển chỉ dẫn dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết giúp người tham gia giao thông trong việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi và an toàn.

Dấu hiệu nhận biết của biển chỉ dẫn đó là: hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền xanh, có hình và chữ viết màu trắng. Nếu nền màu trắng thì hình vẽ và chữ viết màu đen trừ một số trường hợp ngoại lệ. Biển chỉ dẫn trên các đường ô tô không phải là đường cao tốc có mã I.

Nhóm biển chỉ dẫn gồm 48 kiểu, đánh số thứ tự từ 401 đến 448. Mỗi kiểu có một hoặc nhiều biển có ý nghĩa tương tự nhau. Đây là nhóm có nhiều biển nhất. Một số biển chỉ dẫn thường gặp như: biển I.407 chỉ đường một chiều; biển I.423c điểm bắt đầu đường đi bộ hay biển I.441 báo hiệu phía trước có công trường thi công,...

- Biển phụ, biển viết bằng chữ:

Biển phụ là sự kết hợp giữa nhiều biển báo chính khác (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn). Biển báo phụ dùng để thuyết minh bổ sung các loại biển báo chính, giúp người tham gia giao thông nắm được ý nghĩa của các biển báo.

Dấu hiệu nhận biết của biển báo phụ đó là: hình chữ nhật hoặc hình vuông; nền trắng, hình vẽ và chữ viết màu đen hoặc nền xanh lam, chữ viết màu trắng. Thông thường biển báo phụ sẽ nằm dưới biển chính. Biển phụ có các mã kí hiệu S, SG, và SH.

Biển phụ gồm 10 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 501 đến biển số 510. Một số biển báo phụ thường gặp như: biển S.505C tải trọng trục hạn chế qua cầu; biển chỉ dẫn làn đường không lưu thông.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo