Đinh Thị Minh Nguyệt

Bảo hiểm xe máy là gì? Có băt buộc phải mua BH xe máy không?

Bảo hiểm xe máy là một trong những giấy tờ cần thiết và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng đối với chủ xe cơ giới khi gặp rủi ro bất ngờ trong lúc tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít người chưa thực sự hiểu hết về sự cần thiết mà bảo hiểm xe máy đem lại. Để tìm hiểu cụ thể vấn đề này, quý bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Bảo hiểm xe máy là gì?

Bảo hiểm xe máy là loại hình bảo hiểm xe cơ giới bảo vệ về mặt tài chính cho chủ xe, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp tai nạn thiệt hại về người và xe khi tham gia giao thông.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định:

“Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định này, chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.”

Theo đó, bảo hiểm xe máy có 02 loại: bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

+ Bảo hiểm bắt buộc: có tên gọi đầy đủ là Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe môtô - xe máy. Đây là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Bên phía người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại. Mục đích chính của sản phẩm bảo hiểm này dùng để khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của chủ phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ.

+ Bảo hiểm tự nguyện: là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm bảo hiểm tự nguyện nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp.

2. Mức phí mua bảo hiểm xe máy

Hiện nay, phí bảo hiểm xe máy bắt buộc của từng loại xe cơ giới được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 04/2021/TT-BTC. Mức phí bảo hiểm tùy theo từng phương tiện như sau (chưa bao gồm 10% VAT):

- Mô tô 2 bánh:

+ Từ 50 cc trở xuống: 55.000 đồng.

+ Trên 50 cc: 60.000 đồng.

- Mô tô 3 bánh: 290.000 đồng.

- Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) và các loại xe cơ giới tương tự:

+ Xe máy điện: 55.000 đồng.

+ Các loại xe còn lại: 290.000 đồng.

Còn đối với bảo hiểm xe máy tự nguyện thì mức phí phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa chủ phương tiện và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

3. Có bắt buộc phải mua BH xe máy không?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của người lái xe khi tham gia giao thông:

“ Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Theo đó, khi tham gia giao thông, người lái xe bắt buộc phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Như vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe môtô - xe máy là bắt buộc phải mua, phải mang theo khi tham gia giao thông.

Nếu chủ xe cơ giới không có bảo hiểm xe máy khi tham gia giao thông thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 21 nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bố sung Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.”

Như vậy, người chủ xe tham gia giao thông mà không xuất trình được bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự còn hiệu lực tại thời điểm kiểm tra thì sẽ bị phạt tối đa là 200.000 đồng theo quy định của pháp luật.

Còn đối với bảo hiểm tự nguyện, vì đây là loại bảo hiểm không bắt buộc cho nên pháp luật không quy định về việc phải mua bảo hiểm tự nguyện như là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn