Bảo hiểm thân thể là gì? Mức phí đóng bảo hiểm thân thể?
Mục lục bài viết
Tuy nhiên, việc tham gia các hình thức bảo hiểm hiện nay cũng cần phải thận trọng xem xét các vấn đề liên quan như mức đóng bảo hiểm, các rủi ro được thụ hưởng bảo hiểm,… Vì vậy, thông qua bài viết này, Luật Minh Gia cung cấp cho quý khách hàng những thông tin cơ bản của bảo hiểm thân thể dưới góc nhìn pháp lý như sau:
1. Bảo hiểm thân thể là gì?
Về mặt pháp lý, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật đưa ra định nghĩa về bảo hiểm thân thể. Tuy nhiên, về mặt bản chất của loại bảo hiểm này có thể hiểu: Bảo hiểm thân thể là một sản phẩm bảo vệ con người trước những rủi ro gây ra thiệt hại về thân thể con người; được cung ứng bởi doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Đây là loại bảo hiểm gắn với sức khỏe của con người, chi trả cho con người khi có những rủi ro phát sinh liên quan đến thân thể con người.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thân thể hiện nay tương đối rộng, thường là người lao động, học sinh, sinh viên,… và những đối tượng khác có nguyện vọng tham gia, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí tham gia bảo hiểm thân thể của công ty bảo hiểm.
2. Mức phí đóng bảo hiểm thân thể?
Bởi vì bảo hiểm thân thể là một hình thức bảo hiểm tự nguyện, được cung ứng bởi công ty bảo hiểm nên mức phí tham gia bảo hiểm sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010:
“Điều 13. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm
1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
…
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
…”
Thông thường, công ty cung ứng bảo hiểm sẽ đưa ra các gói bảo hiểm khác nhau về phạm vi bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm… Do đó mức phí bảo hiểm sẽ có sự khác biệt và người tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn mức đóng bảo hiểm phù hợp với khả năng tài chính của mình.
3. Khi nào được thụ hưởng bảo hiểm thân thể
Việc xác định trường hợp được thụ hưởng bảo hiểm sẽ dựa trên các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Riêng đối với bảo hiểm thân thể, người thụ hưởng bảo hiểm thường được bồi thường do các sự kiện ốm đau, tai nạn có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người thụ hưởng trên hợp đồng bảo hiểm cũng được công ty bảo hiểm bồi thường khi phát sinh các rủi ro, thiệt hại về mặt thân thể. Bởi lẽ, Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 quy định các trường hợp không trả tiền bảo hiểm như sau:
“Điều 39. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm
1. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
…”
Theo quy định nêu trên, đối với những hành vi cố tình từ bỏ mạng sống của mình; cố tình gây ra thiệt hại về mặt thân thể của mình hoặc bị tước đoạt mạng sống theo quy định của pháp luật do có hành vi phạm tội, cần phải loại bỏ khỏi xã hội thì sẽ không được thụ hưởng bảo hiểm nói chung và bảo hiểm thân thể nói riêng. Quy định này đặt ra nhằm giảm thiểu tình trạng trục lợi bảo hiểm; đồng thời, đây cũng là quy định thể hiện tính trừng phạt nghiêm minh đối với người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
Thực tế hiện nay cho thấy có khá nhiều công ty kinh doanh được thành lập và cung cấp nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều người khi tham gia bảo hiểm thân thể không đọc kỹ các điều khoản trên hợp đồng dẫn đến vướng mắc hoặc phát sinh tranh chấp không đáng có liên quan đến vấn đề xác định sự kiện được thụ hưởng bảo hiểm. Vì vậy, nếu bạn đang có ý định mua bảo hiểm thân thể cho bản thân hoặc người nhà, bạn nên thận trọng, xem xét kỹ các điều khoản trên hợp đồng bảo hiểm trước khi ký hợp đồng để góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất