Đinh Thị Minh Nguyệt

Bản tường trình viết tay gồm những nội dung gì?

Bản tường trình là loại văn bản rất phổ biến trong các trường học, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay các tổ chức khác, được dùng để trình bày hay thuật lại một sự việc nào đó, phần lớn là những sự việc gây hậu quả xấu và cần làm rõ. Vậy trong bản tường trình cần những nội dung nào là chủ yếu? Cách viết bản tường trình đúng quy định pháp luật? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về vấn đề này.

1. Tường trình viết tay quy định thế nào?

Việc đặt ra quy định về bản tường trình xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong cuộc sống. Theo cách hiểu của đại đa số người dân hiện nay, bản tường trình được tạo lập nên khi xảy ra một sự việc mang tính chất tiêu cực, gây hậu quả xấu cho một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức hay toàn xã hội. 

Cụ thể hơn, đây là loại văn bản ghi lại toàn bộ diễn biến sự việc đã xảy ra mà gây thiệt hại về người hoặc tài sản cho cá nhân, tổ chức, công ty. Người viết bản tường trình không chỉ là người gây ra sự việc mà còn bao gồm cả những người chứng kiến, người có liên quan đến sự việc đó. Thông thường khi lập bản tường trình viết tay, người lập văn bản sẽ phải trình bày đầy đủ, trung thực về sự việc đã xảy ra đồng thời chỉ rõ mức độ trách nhiệm của mình.

2. Mục đích của văn bản tường trình

Khi có một sự việc gây hậu quả xấu xảy ra, người có thẩm quyền cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, trong trường hợp cần thiết phải yêu cầu người thực hiện hành vi đó hoặc người chứng kiến, người có quyền và nghĩa vụ liên quan viết bản tường trình. 

Mục đích của văn bản này nhằm giúp cho người có thẩm quyền hiểu đúng bản chất sự việc, là tài liệu quan trọng đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân cũng như hỗ trợ cho việc thực hiện các công tác quản lý, giải quyết các vấn đề về trách nhiệm pháp lý bắt nguồn từ sự cố của các tổ chức, đoàn thể và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông qua bản tường trình mà người gây ra sự việc cũng như những người có liên quan trình bày thì cơ quan có thẩm quyền hoặc người có trách nhiệm sẽ xem xét giải quyết vụ việc đã xảy ra một cách công bằng, không thiên vị và đảm bảo quyền lợi cho những người có liên quan chịu ảnh hưởng và xử phạt bằng chế tài đối với những người vi phạm quy định pháp luật. 

3. Bản tường trình viết tay gồm những nội dung gì? 

Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về hình thức đối với bản tường trình. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn bởi văn bản này giống như việc thuật lại lời nói của người lập văn bản từ những việc mà họ đã trải qua, chứng kiến hoặc biết rõ. Vì vậy, việc giảm thiểu những quy định khắt khe về hình thức sẽ tạo ra sự linh hoạt, thuận lợi cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc. 

Dù vậy, để đảm bảo giá trị pháp lý của một văn bản thông thường cũng như tăng tính xác thực, bản tường trình cần cung cấp những thông tin chính như sau: 

- Quốc hiệu, tiêu ngữ

- Thời gian, địa điểm viết bản tường trình

- Tên bản tường trình, vấn đề tường trình

- Đơn vị, cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản tường trình

- Thông tin cá nhân của người viết bản tường trình, bao gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; chỗ ở hiện nay; trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, chức vụ; nghề nghiệp, nơi công tác, địa chỉ làm việc

- Thời gian và địa điểm xảy ra sự việc

- Danh sách những cá nhân, tổ chức có liên quan đến sự việc, người làm chứng

- Trình tự, cũng như diễn biến, tình tiết của sự việc

- Nguyên nhân của sự việc (khách quan, chủ quan)

- Mức độ thiệt hại (nếu có)

- Trách nhiệm của người viết bản tường trình nếu như sự việc nói trên gây ra hậu quả

- Những đề nghị cụ thể (nếu thấy cần thiết)

- Phần kết thúc, thường bao gồm lời cam đoan, lời hứa, lời đề nghị và họ tên, chữ ký của người viết bản tường trình.

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, internet, … rất nhiều các trang mạng, cổng thông tin có cung cấp mẫu đơn tường trình có sẵn, nếu quý bạn đọc có nhu cầu viết bản tường trình có thể tham khảo các nguồn tin đó, miễn sao đảm bảo đầy đủ các thông tin như chúng tôi đã nêu trên. 

4. Lưu ý khi viết bản tường trình viết tay

Để quá trình giải quyết vụ việc diễn ra thuận lợi thì bản tường trình cần phải đảm bảo một số yếu tố và lưu ý đến các nội dung cơ bản như sau: 

- Thể hiện sự trung thực khi trình bày

Trước hết, đầy là yêu cầu vô cùng quan trọng và quyết định đến tính xác thực của văn bản tường trình. Điều này không chỉ được thể hiện qua văn phong của người viết mà còn qua việc kiểm chứng những thông tin cung cấp khi điều tra, xem xét cụ thể trên thực tế. Chỉ cần trình bày chính xác sự việc xảy ra, không thêm hoặc bớt thông tin sẽ giúp quá trình giải quyết được thuận lợi, hợp tình, hợp lý và kết quả điều tra, xét xử không bị sai lệch. 

- Đảm bảo tính chính xác của các thông tin cung cấp

Một trong những yếu tố cần thiết nữa là tính chính xác trong nội dung của bản tường trình. Trên thực tế, đôi khi có những trường hợp người lập văn bản không nhớ rõ hoặc nhớ không chính xác thông tin vì những lý do khách quan, dẫn đến nội dung tường trình sai sự thật và gây khó khăn cho công tác điều tra. Do đó, khi làm bản tường trình, người viết cần phải cân nhắc thật kỹ và trình bày nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của sự việc một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác, phục vụ cho quá trình điều tra.  

- Sắp xếp thông tin hợp lý  

Thông tin trong bản tường trình nên được sắp xếp theo trình tự thời gian, tiến trình xảy ra sự việc hoặc các phần khác nhau, làm sao để văn bản trở nên dễ đọc, dễ hiểu nhất có thể.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo