Đinh Ngọc Huyền

Án lệ là gì? Vai trò của án lệ quy định thế nào?

Có thể đối với nhiều người, thuật ngữ “án lệ” là một thuật ngữ pháp lý còn mang tính xa lạ, bởi việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tại Tòa án thường không thường xuyên mà thường áp dụng quy định của các văn bản pháp luật. Vậy án lệ là gì? Vai trò của án lệ được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Quy trình lựa chọn án lệ ra sao? Luật Minh Gia xin được tư vấn về vấn đề này như sau.

1. Quy định về Án lệ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khái niệm án lệ được quy định tại điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP năm 2019 như sau:

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Như vậy, về bản chất, án lệ là những phán quyết của Tòa án mà chứa đựng những nguyên tắc pháp lý cơ bản nhằm điều chỉnh những thiếu sót, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật hoặc các quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa thể điều chỉnh được. Trường hợp này, Tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để có thể đưa ra một phán quyết mang tính hợp lý. Đồng thời, bản án này sẽ được Tòa án nhân dân tối cao công bố là một án lệ để có thể áp dụng chung cho các trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, án lệ ở Việt Nam hiện nay chỉ được coi như một nguồn để hỗ trợ các văn bản pháp luật do đó mà án lệ không được coi là văn bản pháp luật, vì án lệ không đáp ứng được các điều kiện của một văn bản pháp luật như: trình tự thủ tục ban hành, hình thức ban hành, chủ thể ban hành theo quy định.

2. Vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử

- Án lệ đã chính thức được áp dụng tại Việt Nam bởi những giá trị pháp lý mà án lệ mang lại như nâng cao vai trò xét xử của Tòa án, góp phần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo sự công bằng, đảm bảo tính cập nhật, hiệu quả của hệ thống pháp luật, giảm thiểu được oan sai trong hoạt động xét xử. Tính đến nay, số án lệ được công bố là 43 án lệ về các lĩnh vực dân sự hợp đồng, thừa kế, quyền sử dụng đất, kinh doanh-thương mại, hôn nhân gia đình, lao động và hình sự.

- Việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa là giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng xét xử những vụ án tương tự sau này, sẽ tạo được sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án có tính chất tương tự như nhau.

- Án lệ giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của Thẩm phán, cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và tạo ra sự công bằng trong xã hội. Hơn nữa, việc áp dụng án lệ còn giúp các đơn vị khi soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại, giao dịch dân sự biết phòng tránh rủi ro.

3. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử

Những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì có thể áp dụng án lệ và phải được giải quyết như nhau:

- Số, tên của án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý có trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc mà đang được giải quyết phải được phân tích, viện dẫn trong phần “Nhận định của Tòa án”.

- Tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể trích dẫn một phần hoặc toàn bộ nội dung của án lệ để làm rõ hơn quan điểm của Tòa án trong việc giải quyết, xét xử vụ việc tương tự.

Việc nghiên cứu và viện dẫn án lệ khi xét xử là yêu cầu đối với Hội thẩm và Thẩm phán. Trường hợp Hội thẩm, Thẩm phán không áp dụng án lệ khi xét xử những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự với án lệ thì phải có trách nhiệm lập luận và giải thích rõ lý do trong quyết định, bản án.

4. Quy trình lựa chọn án lệ theo quy định hiện hành

Theo quy định tại điều 3, điều 4, điều 5, điều 6, điều 7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì án lệ được hình thành theo quy trình sau:

Bước 1: Đề xuất quyết định, bản án để phát triển thành án lệ (Điều 3)

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

2. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Bước 2: Lấy ý kiến đối với quyết định, bản án được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ (Điều 4)

1.Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này.

Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.

2. Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này.

Bước 3: Thành lập và lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ (Điều 5)

1.Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).

Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.

3. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.

Bước 4: Thông qua án lệ (Điều 6)

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.

2. Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này;

b) Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;

c) Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất;

d) Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

3. Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

4. Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

Bước 5: Công bố án lệ (Điều 7)

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

2. Nội dung công bố bao gồm:

a) Số, tên án lệ;

b) Số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ;

c) Tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ;

d) Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ;

đ) Từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ;

e) Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ;

g) Nội dung của án lệ.

3. Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn