LS Hồng Nhung

Xử lý hành vi xả phân lợn ra môi trường như thế nào?

Trong trường hợp gia đình hàng xóm xả phân lợn ra môi trường xung quanh thì xử lý như thế nào? Đối với hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước thì xử phạt ra sao? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Xin chào! Nhờ tư vấn: Gia đình tôi và gia đình hàng xóm ở sát nhau, có cách 2.3, đất thuộc của địa phương, hiện tại không thuộc quyền sở hữu của gia đình nào. Nhưng nhà hàng xóm lại xả phân heo ra phần đất đó, trồng cây trên đất trống đó, cây vươn cành qua tường rào nhà tôi. Gia đình tôi chặt phần cây vươn qua thì nhà hàng xóm chửi bới, vợ chồng hàng xóm sang ngõ nhà tôi gây rối và ném gạch đá, phân heo vào nhà tôi. Gây thương tích ở ngón tay vợ tôi. Dùng cây cứng và dao đe dọa hành hung bố mẹ già và con nhỏ trong gia đình. Tôi sống xa gia đình không giải quyết được. Như vậy, hàng xóm vi phạm thế nào, chế tài xử lý. Và yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, đối với những hành vi sai phạm của gia đình hàng xóm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật như sau:

 

Thứ nhất, xử lý hành vi xả thải ra môi trường:

 

Đối với hành vi xả chất thải ra môi trường thì tùy theo mức độ ô nhiễm, mức nước thải để xác định tính chất nguy hại của hành vi. Do đó, nếu gia đình hàng xóm có hành vi xả chất thải chăn nuôi ra môi trường thì bạn cần kiến nghị đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan tài nguyên môi trường để cơ quan có thẩm quyền tiến hành phân tích mẫu nước thải, xác định hàm lượng chất thải để đối chiếu với thông số tiêu chuẩn cụ thể. Nếu nước thải trên mức tiêu chuẩn 1,1 lần nhưng không chứa các chất độc hại thì tùy lượng nước thải thải ra sẽ ứng với mức xử phạt vi phạm hành chính tương ứng theo quy định tại Điều 33 Nghị định 155/2016/NĐ-CP:

 

“Điều 13. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường

 

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%).

 

2. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần bị xử phạt như sau:

 

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m³/ngày (24 giờ);

...”

Nếu nước thải có chứa chất độc hại thì hành vi xả thải có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 14 Nghị định 155/2016/NĐ-CP:

“Điều 14. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường

 

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%).

 

2. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần bị xử phạt như sau:

 

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m³/ngày (24 giờ);

...”

Thứ hai, hành vi lấn chiếm đất đai

 

Thông tin bạn cung cấp cho thấy ngoài việc xả chất thải chăn nuôi ra môi trường, gia đình hàng xóm còn có hành vi trồng cây trên diện tích đất của địa phương. Do đó, nếu việc trồng cây trên diện tích đất của địa phương mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì hành vi này có thể xác định là hành vi chiếm đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:

 

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

...

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

 

Đối với hành vi chiếm đất trái pháp luật, gia đình hàng xóm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:

 

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

 

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

 

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

 

Như vậy, bạn có thể kiến nghị yêu cầu UBND cấp xã/UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh nơi có đất xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất trái pháp luật của gia đình hàng xóm.

 

Thứ ba, hành vi gây rối trật tự công cộng

 

Đối với hành vi của gia đình hàng xóm khi gây rối, ném gạch đá và phân heo vào nhà bạn thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

...

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;

...”

Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

...

 

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

...”

Thứ tư, hành vi cố ý gây thương tích và đe dọa giết người

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp cho thấy gia đình hàng xóm gây thương tích ở ngón tay vợ bạn và dùng hung khí như cây cứng, dao để đe dọa, hành hung các thành viên trong gia đình bạn. Do đó, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội sau:

 

Trường hợp 1: Gia đình hàng xóm dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho vợ bạn hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể của vợ bạn từ 11% trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

...”

Trong trường hợp chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên thì người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

 

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;”

 

Trường hợp 2: Đối với hành vi đe dọa các thành viên trong gia đình của bạn thì cần phải xem xét hành vi cụ thể là đe dọa hành hung hay đe dọa giết người. Nếu họ thực hiện hành vi đe dọa giết người, khiếu cho các thành viên trong gia đình bạn lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

 

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên;

...”

Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn hoặc những người thân trong gia đình bạn có thể trình báo đến chính quyền địa phương để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sai phạm của gia đình hàng xóm; trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì gia đình bạn có thể trình báo đến cơ quan công an cấp quận/huyện để xem xét giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo