Hoài Nam

Xử lý hành vi bạo lực gia đình

Cháu chào Luật Sư tại Công Ty luật Minh Gia. Về vấn đề bạo lực gia đình, từ trước tới nay Bố cháu có tiếng là nát rượu. Khi say rượu về là thường chửi bới Mẹ cháu. Ông Bà cháu đã mất nhưng khi say, Bố cháu vẫn đôi lúc lôi Ông Bà lên chửi là đã không dạy được con, để "tao" dạy.

 

Hồi bé cháu đã chứng kiến rất nhiều cảnh bạo lực do Bố cháu gây ra. Đỉnh điểm là Mẹ cháu bị Bố cháu hành hung giữa đêm, cả xóm ngủ hết và Mẹ cháu đã phải chạy đi trốn nhà người thân. Nhà cháu có 3 anh chị em. Chúng cháu cảm thấy rất bất lực. Khi Bố cháu tỉnh rượu thì chúng cháu đã khuyên Bố cháu, Bố im không nói gì nhưng thực chất không chịu tiếp thu và sửa đổi, vẫn chứng nào tật nấy. Các chú trong họ và Bà Nội cháu cũng đã khuyên rất nhiều. Bố cháu cũng không nghe, có lần say, Bố cháu còn chửi cả Bà. Khi Bố cháu có cháu nội, cháu ngoại thì bớt nhiễu sự hơn nhưng vẫn một khi đã say thì vẫn chứng nào tật ấy. Khi Bố cháu không say, Bố cháu vẫn lao động chăm chỉ, và là người rất trầm tính. Cháu nghĩ là bản chất con người khó đổi. Nên việc say rượu và nhiễu sự sẽ kéo dài đến cuối đời. Anh chị em cháu rồi sau này sẽ có gia đình riêng hết, chỉ thương Mẹ cháu phải chịu cảnh đời đau khổ, nhẫn nhục. Thường thì Bố cháu chửi bới, chứ hiếm khi hành hung. Cháu muốn hỏi là bây giờ cháu có thể nhờ đến cơ quan Luật Pháp nào để răn đe Bố cháu ạ. Vì cháu chỉ muốn răn đe để cho Bố cháu hiểu ra vấn đề. Nếu Bố cháu hành hung thì Bố cháu có bị đi cải tạo hay không hay chỉ phạt hành chính ạ. Cháu cảm ơn câu trả lời của Luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình như:
 
"a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
 
b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;"

 
Theo bạn trình bày thì bố bạn thường xuyên đánh đập và lăng nhục người mẹ bạn, do vậy mẹ bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình.
 
Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì người vợ trong trường hợp này có các quyền sau đây:
 
“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
 
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
 
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
 
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
 
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”

 
Theo đó, nếu muốn chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì người vợ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
 
“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
 
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”
.
 
Như vậy, trong trường hợp này bạn có thể:
 
- Nộp đơn tới Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc mẹ bạn bị đánh đập, lăng mạ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
 
- Nếu hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của người vợ thì bạn có thể nộp đơn tố cáo đến công an về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý hành vi bạo lực gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169