Xe cơ giới là gì? Các mức phạt áp dụng với xe cơ giới?
1. Xe cơ giới là gì?
Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ định nghĩa: “18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.”
Xe cơ giới bao gồm cả tàu điện bánh lốp (là loại tàu dùng điện không chạy trên đường ray).
Hiện nay, xe cơ giới là loại xe có mật độ lớn và chiếm nhiều phần trăm nhất trong các loại phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy việc kiểm soát, theo dõi là rất cần thiết. Chính vì lượng phương tiện tham gia nhiều như vậy mà quá trình theo dõi cũng như xử lý các trường hợp vi phạm do xe cơ giới gây ra rất đa dạng và cũng khó kiểm soát hơn các phương tiện xe thô sơ.
2. Các loại xe cơ giới
Theo quy chuẩn của 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ định nghĩa các loại xe cơ giới như sau:
2.1. Nhóm xe cơ giới ô tô
Xe ô tô con (hay còn gọi là xe con) là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái).
Xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.
Ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc và các loại xe như xe PICK UP, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên).
Ô tô khách (hay còn gọi là xe khách) là xe ô tô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để chở người với số lượng lớn hơn 9 người.
Ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc là xe cơ giới chuyên chở hàng hóa mà thùng xe là sơ-mi rơ-moóc được thiết kế nối với ô tô đầu kéo và truyền một phần trọng lượng đáng kể lên ô tô đầu kéo và ô tô đầu kéo không có bộ phận chở hàng hóa hoặc chở người (ô tô đầu kéo là ôtô được thiết kế để kéo sơ-mi rơ-moóc).
Ô tô kéo rơ-moóc là xe ô tô được thiết kế để dành riêng kéo rơ-moóc hoặc là xe có kết cấu để kéo thêm rơ-moóc, có khối lượng cho phép kéo theo được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Rơ-moóc là tổng hợp gồm hệ thống trục và lốp xe có kết cấu vững chắc được kết nối với xe ô tô sao cho khối lượng toàn bộ của rơ moóc không đặt lên ô tô kéo.
Máy kéo là chỉ đầu máy tự di chuyển bằng xích hay bánh lốp để thực hiện các công việc đào, xúc, nâng, ủi, gạt, kéo, đẩy.
2.2. Xe cơ giới là xe mô tô
Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng tải bản thân xe không quá 400 kg.
2.3. Xe cơ giới là xe gắn máy
Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.
3. Các mức phạt áp dụng với xe cơ giới
Có thể thấy rằng các xe cơ giới chiếm chủ yếu trong các phương tiện tham gia giao thông đường bộ hiện nay nên các quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ chủ yếu là dành cho các loại xe cơ giới.
- Đối với xử phạt vi phạm hành chính:
Các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt đối với các xe cơ giới được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với rất nhiều các hành vi vi phạm giao thông cùng với những mức phạt khác nhau với mỗi loại xe cơ giới.
+ Vi phạm quy tắc giao thông
+ Vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ
+ Vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
+ Vi phạm quy định về vận tải đường bộ
+ Các vi phạm khác liên quan đến giao thông đường bộ
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, người điều khiển xe cơ giới vẫn có thể bị truy cứu hình sự khi có đủ dấu hiệu cấu thành các tội quy định tại mục 1 Chương XXI Bộ luật hình sự 2015 về các tội xâm phạm an toàn giao thông.
+ Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
+ Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
+ Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ
+ Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ
+Tội đua xe trái phép
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất