Nguyễn Thị Thùy Dương

Đổi bằng lái xe máy ở đâu? Thủ tục?

Xe máy là phương tiện được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Để có thể được sử dụng xe máy tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện phải đủ tuổi, đủ sức khỏe và phải có giấy phép lái xe máy. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh dẫn đến việc buộc bạn phải đổi bằng lái xe. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Minh Gia chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn thực hiện việc đổi bằng lái xe đúng quy định về trình tự, thủ tục của pháp luật hiện nay.

1. Bằng lái xe máy là gì?

Bằng lái xe máy (Giấy phép lái xe) là chứng chỉ cho phép một cá nhân được phép điều khiển xe máy tham gia giao thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông thì người lái xe tham gia giao thông phải đủ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe. Do đó, bằng lái xe máy – giấy phép lái xe là một loại giấy tờ không thể thiếu khi người điều khiển xe máy tham gia giao thông.

2. Các loại bằng lái xe máy

Hiện nay theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định có 4 loại bằng lái xe hạng A1, A2, A3, A4, mỗi loại có những quy định riêng. 

 

Bằng lái xe hạng A1

Bằng lái xe hạng A2

 

Bằng lái xe hạng A3

 

Bằng lái xe hạng A4

 

Đối tượng được cấp

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 - 175cm3 và người khuyết tật điều khiển xe mô tô 3 bánh đặc thù.

Người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép hạng A1.

Người điều khiển xe mô tô 3 bánh đặc thù bao gồm cả xích lô máy, xe lam và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000kg. 

Thời hạn

Vô thời hạn

Vô thời hạn

Vô thời hạn

10 năm

3. Khi nào thì được đổi bằng lái xe máy

Những trường hợp được đổi giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 01/2021/TT-BGTVT như sau:

- Việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020.

- Người có giấy phép lái xe có thời hạn thực hiện việc đổi giấy phép lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng; người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.

- Người có giấy phép lái xe hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi giấy phép lái xe từ hạng D trở xuống.

- Trường hợp năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân thì cơ quan quản lý giấy phép lái xe làm thủ tục đổi giấy phép lái xe mới phù hợp với thông tin ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

Cũng theo quy định của Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định một số trường hợp không đổi giấy phép lái xe như sau:

- Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Giấy phép lái xe của ngành Giao thông vận tải nhưng không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe, bảng kê danh sách cấp giấp phép lái xe (sổ quản lý);

- Người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

- Người Việt Nam có giấy phép lái xe nước ngoài có thời gian lưu trú tại nước ngoài dưới 03 tháng và thời hạn lưu trú không phù hợp với thời gian đào tạo lái xe của nước cấp giấy phép lái xe.

4. Đổi bằng lái xe máy ở đâu

Người đổi giấy phép lái xe có thể nộp hồ sơ đổi GPLX ở các địa điểm sau:

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp GPLX;
- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT nơi sinh sống, làm việc;
- Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Tp thuộc Trung ương;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

5. Thủ tục đổi bằng lái xe máy

Căn cứ quy định tại Điều 38 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT:

- Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp, gồm:

+ Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;

 + Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:

Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;

Người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn;

+ Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

- Cá nhân lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.

- Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.

- Việc trả giấy phép lái xe được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân; trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giấy phép lái xe được trả cho đúng cá nhân đổi giấy phép lái xe.

* Lệ phí cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng (theo quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169