Luật gia Nguyễn Nhung

Vỡ hụi, bể hụi là gì? bể hụi có đi tù hay không?

Chơi hụi (họ) không còn là một vấn đề xa lạ trong đời sống hiện nay, đặc biệt là đối với những người kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tồn tại không ít những hạn chế khi có một số người lợi dụng việc chơi hụi (họ) để chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy, vỡ hụi, bể hụi là gì, bể hụi có đi tù không? Để giải đáp những thắc mắc trên, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Hụi là gì? Vỡ hụi, bể hụi là như thế nào?

Họ, hụi, biêu, phường thực chất là một hoạt động và tùy vào từng địa phương mà sẽ có những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động này là để góp vốn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn, buôn bán. Theo quy định tại khoản 1 Điều 479 Bộ luật dân sự: “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về họ hụi biêu phường (sau đây gọi là Nghị định 19/2019/NĐ-CP) có quy định các nguyên tắc tổ chức họ (hụi). Như vậy, hoạt động chơi hụi bản thân nó không vi phạm pháp luật mà nó chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng nó để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...

Vỡ hụi, bể hụi được hiểu là khi chủ hụi đã thu hụi của các con hụi, đến kỳ mở hụi mà không chi trả cho người được hốt hụi thì được coi là bể hụi. Nếu đến kỳ mở hụi mà không tìm ra chủ hụi là được coi là giật hụi. 

2. Bể hụi có đi tù hay không?

Nội dung đề nghị tư vấn: Xin chào luật sư, cho tôi hỏi quy định về vỡ hụi và bị bể hụi có phải đi tù không, cụ thể: Tôi là con gái của người bị giựt tiền hụi là mẹ tôi. Hôm nay tôi xin nhờ sự tư vấn giải đáp thắc mắc trong trường hợp của gia đình tôi vướng phải cho luật sư tư vấn giúp giùm, tôi xin phép tường thuật lại câu chuyện như sau:

Năm 20xx mẹ tôi có chơi hụi do chị A làm chủ hụi, hàng tháng mẹ  tôi đều theo luật chơi hụi đóng tiền đầy đủ, không thiếu hay kì kèo hôm khác đưa gì hết (mẹ tôi chơi hụi rất nghiêm túc, chưa bao giờ có ý định là không đóng). Nhưng thật không ngờ chị A bị vỡ hụi khác của chị ta và ko đủ tiền trả cho mẹ tôi (số tiền nợ mẹ tôi là 160.000.000 VND). Khi mẹ tôi xuống đòi thì chị ta hứa sẽ trả cho mẹ tôi đầy đủ (có giấy viết tay và ký tên giữa 2 bên rõ ràng. Mẹ tôi tin tưởng nên đã nghe theo và chờ đợi chị ta trả tiền. Nhưng không như vậy, khi tới ngày trả trong hợp đồng viết tay thì chị ta cứ kì kèo, viện cớ bận cái này đến cái khác. Nhưng khi đó thì tôi thấy chị ta đi ăn, đi làm đẹp rất vui vẻ, mẹ tôi rất tức nhưng lúc nào cũng kiềm chế để chị ta trả tiền. Trong lúc chị ta nói không có tiền trả mẹ tôi thì tôi thấy chị ta đi mua nhà lầu ở. Khi đến nhà, gọi điện hỏi chị ta thì chị ta nói vay tiền xã hội đen mua nhà để làm ăn kiếm tiền trả mẹ tôi. Biết là nói dối nhưng mẹ tôi vẫn nhịn, ngày này qua ngày khác, và mãi đến năm 20xx rồi mà chị ta vẫn chưa trả hết số tiền phải trả cho mẹ tôi. Trong khi đó tôi lại thấy chị ta mới mua 1 chiếc xe máy vision màu xám. Mẹ tôi rất nhiều lần xuống nói chuyện với gia đình cũng như anh trai ruột của chị ta, anh ta cũng hứa sẽ trả 1 phần nào cho em gái  anh  ta. Và từ năm ngoái đến năm nay đúng trả tiền mẹ tôi 2 lần (tổng cộng 2 lần trả vỏn vẹn 5.000.000 VND). Gia đình tôi biết chuyện chưa bao giờ có ngôn từ xúc phạm cũng như động tay chân với chị ta, nhưng tôi thấy chị ta và gia đình chị ta vô cùng thoải mái, không lo nghĩ gì để trả tiền cho mẹ tôi mà suốt ngày gặp hỏi là lại hứa (cứ hứa được ngày nào hay ngày ấy vậy). Cũng vì vấn đề này mà mẹ tôi bị bệnh gần cả tháng trời vì lo nghĩ quá nhiều. Tôi và gia đình rất lo buồn nhưng không có cách nào đòi lại tiền nên rất mong được sự tư vấn của của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư. Tôi mong rằng sẽ nhận được lời tư vấn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Trong trường hợp của gia đình bạn, mẹ bạn và chị A có thỏa thuận với nhau về việc trả nợ và có viết giấy tay, ký tên giữa hai người. Do đó, giữa mẹ bạn và chị A hiện đang tồn tại một hợp đồng vay tài sản và đây là quan hệ dân sự. Theo đó, khi đến hạn trả, bên vay là chị A phải hoàn trả cho mẹ bạn tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Còn về vấn đề không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mẹ bạn, chị A chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này cấu thành tội phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự. Để nhận định chị A có phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình hay không cần phải có thêm nhiều căn cứ rõ ràng từ các thông tin mà bạn cung cấp. Do đó, chưa có cơ sở để khẳng định chị A phạm tội và chị A chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về hợp đồng vay tài sản mà không phải đi tù. Điều 351 Bộ luật dân sự quy định:

"Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Căn cứ theo quy định trên và đối chiếu với các thông tin mà bạn cung cấp, có thể thấy chị A không thực hiện nghĩa vụ không phải do sự kiện bất khả kháng. Do đó không có căn cứ để chị A được miễn trách nhiệm trong trường hợp này. Đồng thời, chị A còn có thể phải bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 360 Bộ luật này:

"Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác."

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì nếu hai bên có tranh chấp thì giải quyết như sau:

“Điều 25. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm

1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.”

Căn cứ theo quy định trên, gia đình bạn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật của chị A nếu có đủ bằng chứng chứng minh được chị A đang cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mặc dù có khả năng trả nợ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo