LS Hồng Nhung

Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì được hưởng chế độ gì?

Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì được hưởng chế độ gì? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư! Em là nhân viên nhà nước ( viên chức) làm ở Trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế. Em làm việc từ tháng 4/2009 đến nay (3/2018) : 9 năm . Em viết đơn xin nghỉ việc vào 12/3/2018 vì lý do cá nhân. Em là kế toán trưởng. Họ có nói chuyện riêng với em và tìm hiểu lý do em xin nghỉ việc. Nhưng sếp em như muốn kéo dài thời gian xin nghỉ việc của em. Em không muốn điều đó và muốn làm thủ tục nghỉ càng sớm càng tốt. Xin hỏi Luật sư khi em gửi đơn vậy thì bao lâu em có quyết định nghỉ việc và chế độ bảo hiểm em có nhận được 1 lần không và thòi gian bao lâu em được nhận chế độ bảo hiểm đó? Nếu trường hợp họ cố tình kéo dai thời gian của em và không cho em nghĩ sớm thì em làm cách nào để nghĩ sớm, vì em có việc riêng cần giải quyết gấp? Cảm ơn Luật sư!

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này, hợp đồng làm việc của chị là hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo Khoản 2 Điều 25 Luật Viên chức 2010:

 

“2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d và điểm đ Khoản 1 Điều 58 của Luật này”.

 

Vậy, vấn đề thôi việc của chị sẽ được giải quyết như sau:

 

Trường hợp 1: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc:

 

Theo điểm a Khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP hướng dẫn luật viên chức quy định:

 

“a, Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản”

 

Vậy, đây là trường hợp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc. Theo đó, nếu chị có nguyện vọng thôi việc, có văn bản gửi người đứng đầu cơ quan, đơn vị và được sự chấp thuận của đơn vị về việc chấm dứt hợp đồng làm việc thì trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do (theo điểm a, b Khoản 3 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP).

 

Trường hợp 2, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc:

 

Nếu người đứng đầu đơn vị, cơ quan không đồng ý cho chị chấm dứt hợp đồng như trường hợp đã nêu trên, chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo Khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010:

 

“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày”.

Vậy, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, chị cần phải thông báo cho đơn vị sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp chị đang ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì chỉ cần báo trước ít nhất 03 ngày. Theo đó, chị vẫn phải đi làm bình thường, sau 45 ngày kể từ ngày thông báo chị mới được nghỉ việc.

 

Các chế độ được hưởng:

 

Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, chị có thể được hưởng các chế độ như: trợ cấp thôi việc, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, nếu chị đơn phương chấm dứt hợp đồng mà vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì chị sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc (theo Điều 45 Bộ luật Lao động 2012) và không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm.

 

Đối với trợ cấp thôi việc, theo Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định:

 

“1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước ....”

 

Từ quy định này có thể thấy, bạn không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc.

 

Trợ cấp thất nghiệp: chị bắt đầu làm việc từ tháng 4 năm 2009 thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013:

 

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

 

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

 

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

 

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

 

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”

 

Theo đó, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013:

 

“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

....”

 

Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện như trên, khi chị nghỉ việc và đã có quyết định thôi việc thì trong thời hạn 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng làm việc, chị nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập theo Điều 43 Luật Việc làm 2013:

 

“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

 

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

 

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

 

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm và bảo hiểm thất nghiệp sẽ bao gồm các giấy tờ sau:

 

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

 

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

...

b) Quyết định thôi việc;

....

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

...

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

.....”

Bảo hiểm xã hội một lần: Trường hợp sau 01 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng làm việc mà chị không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì chị có thể được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 hướng dẫn về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động:

 

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

 

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

....

Điều 1.

 

1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

 

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

...

Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm các giấy tờ sau:

 

- Sổ bảo hiểm xã hội;

 

- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động;

 

- Sổ hộ khẩu bản sao chứng thực (đối với trường hợp chị rút bảo hiểm xã hội một lần tại địa phương chị có hộ khẩu thường trú);

 

- Chứng minh thư nhân dân bản sao chứng thực.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo