LS Vy Huyền

Về thừa kế theo di chúc và thời điểm mở thừa kế

Luật sư tư vấn về thời điểm có hiệu lực của di chúc. Chưa đến thời điểm mở thừa kế thì có thể thực hiện nội dung được không? cụ thể như sau: Xin chào Luật sư! Tôi viết mail này rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư về việc thừa kế đất do bố mẹ để lại mà có lập di chúc (Di chúc đã được công chứng). Sự việc cụ thể như sau:

Nhà chú tôi có 02 anh em trai. Trước khi mất, ông nội tôi đã lập di chúc thừa kế nhà đất cho bà nội và 02 chú (Di chúc đã được chứng thực và công bố cho những người được thừa hưởng). Sau khi ông mất, bà nội tôi cũng làm di chúc chuyển quyền thừa kế cho 2 chú để tránh sự tranh giành nhau sau này khi bà không còn nữa. Và giữa 2 chú, cả bà nội thống nhất (miệng) với nhau rằng sau này ai ở nhà đất đó thì trả người còn lại tiền 1/2 giá trị nhà đất tại thời điểm đó. Hiện tại bà tôi vẫn sống khoẻ mạnh và sống cùng vợ chồng chú út tại thửa đất đó, còn vợ chồng chú cả đã có nhà riêng. Việc vợ chồng chú út có xác định ở lại thửa đất đó hay không thì hiện tại chưa tuyên bố. Tuy nhiên có phát sinh 1 việc như sau:
 Vợ chồng chú cả chuyển đổi kinh doanh nên cần số tiền lớn. Vợ chồng chú cả muốn ngay tại thời điểm hiện tại, chú út đang ở trên thửa đất đó thì phải trả 1/2 giá trị nhà đất cho chú cả. Bà nội tôi đã biết mong muốn này của vợ chồng chú cả nhưng hiện tại không có ý kiến gì. Vậy Luật sư cho tôi hỏi

1, Việc chú út đang ở với bà nội tại thửa đất đó mà vợ chồng chú cả đòi lấy 1/2 giá trị nhà đất đó có được hay không? Nếu có sự chấp thuận của bà nội đồng ý cho vợ chồng chú cả làm như thế thì có được không?

2. Hồ sơ thừa kế mang tên 2 chú, vậy vợ của các chú có hưởng quyền gì trong đó hay không và có được ý kiến gì trong việc trả 1/2 giá trị nhà đất đó hay chỉ có 2 chú mới thực hiện được? Chân thành cảm ơn Luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời điểm, địa điểm mở thừa kế như sau:

“1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.”

Hiện tại bà nội bạn vẫn còn sống khỏe mạnh nên di chúc sẽ chưa có hiệu lực. Và lúc này quyền sử dụng mảnh đất vẫn là thuộc ba người: bà nội và hai chú. Nên thỏa thuận về việc “ai ở nhà đất đó thì trả người còn lại tiền 1/2 giá trị nhà đất tại thời điểm đó” hiện tại vẫn chưa có giá trị.

Vấn đề ở đây đó là thỏa thuận về việc “người ở trả tiền cho người không ở” chỉ dưới hình thức miệng nên giá trị chứng minh khá thấp, trừ trường hợp hai bên có thiện chí. Do vậy, để thỏa thuận này có hiệu lực ngay thì bà nội bạn cần phải làm thủ tục chuyển giao phần đất được hưởng từ thừa kế của mình cho hai chú kia. Khi đó mảnh đất sẽ thuộc quyền sử dụng của hai chú và thỏa thuận miệng kia sẽ có hiệu lực. Và chú út sẽ phải trả 1/2 tiền giá trị mảnh đất cho chú cả theo đúng thỏa thuận giữa ba người. Để chắc chắn hơn, bà bạn và hai chú cần ngồi lại để thể hiện lại thỏa thuận kia dưới dạng văn bản và có công chứng, chứng thực để tăng giá trị pháp lý cho thỏa thuận.

Bên cạnh đó, do mảnh đất được hưởng thừa kế từ ông nội nên bà nội và hai chú có nghĩa vụ và địa vị pháp lý tương đương nhau trong thỏa thuận này. Vậy nên quyết định của bà ủng hộ chú cả cũng không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị về mặt gia đình, tình cảm.

Thứ hai: do phần đất này là di sản thừa kếriêng của các chú trong thời kỳ hôn nhân do đó căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì đây được xác định là tài sản của các chú. Nếu các chú chưa làm thủ tục nhập tài sản riêng và tài sản chung thì các chú có toàn quyền định đoạt phần tài sản này và không cần có sự đồng ý của vợ.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169