Cao Thị Hiền

Vay nặng lãi quá hạn giải quyết thế nào?

Em có vay của 1 người bạn thân là 15 triệu với lãi xuất là 20%,do gia đình đang khó khăn e phải mượn thêm 5 triệu sau nhưng lãi xuất là 30%,lãi đẻ lãi,e mới xin bạn em ngưng lãi cho e kiếm tiền trả vốn,bạn e ko chịu ép e mượn thêm, nay số tiền lên tới 30 triệu


Em có hứa cuối năm e trả,thì bạn ấy tung tin làm e ko dám ra đừng nữa,em nợ thì e trả dần nhưng bạn ấy lúc nào cũng nhắn tin chưi rủi và bắt ép kí giấy nợ,em mượn thì tại sao ép mẹ e kí và đòi vào cty của mẹ e quậy nữa,xin cho e lời khuyên và hướng đi tốt nhất để giải quyết, e biết khi e kẹ tiền thì bạn cho mượn bh quay ra mà nói thí là ăn cháo đá bát,nhưng h e ko có khả năng chi trả mà bạn cứ bắt ép và nói năng lời với mẹ e thì làm sao đây,kính mong sự thông cảm và giúp đỡ...chân thành cảm ơn !
 
Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yều cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã hai lần vay tiền người bạn của mình với mức lãi suất lần lượt làm 20% và 30%. Tuy nhiên, bạn không trình bày cụ thể số lãi này là tính theo tháng hay tính theo năm. Về việc áp dụng lãi suất trong giao dịch dân sự, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

 

Điều 468. Lãi suất

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

 

Theo quy định trên, việc bạn của bạn giao kết hợp đồng vay tài sản với bạn cũng chỉ được thỏa thuận ở mức lãi suất tối đa 20%/năm tương đương 1,67%/tháng. Nếu lãi suất cho vay vượt quá con số này, bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, khi đó phần lãi suất vượt mức quy định sẽ bị vô hiệu và tiền lãi bạn phải trả hàng tháng chỉ ở mức 1,67% của khoản tiền vay.

 

Đồng thời, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 như sau:

 

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

 

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất154 quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Trường hợp bạn của bạn lấy lãi suất ở mức quá cao từ 20%-30% (chưa xác định lãi theo năm hay lãi theo tháng) nếu mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cơ bản nhà nước cho phép (vượt quá 8,35%/tháng) và thu lợi bất chính từ số tiền lãi từ 30.000.000 đồng trở lên thì có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với người này theo quy định đã trích dẫn ở trên.

 

Việc người bạn này có hành vi bêu rếu, chửi rủa bạn, tùy theo tính chất nghiêmtrọng của hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng.

 

Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về vấn đề xử phạt với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 như sau:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

 

Như vậy, với những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà chưa đến mức độ bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

 

Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội làm nhục người khác tại Điều 155 như sau:

 

Điều 155. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

b) Đối với 02 người trở lên;

 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

 

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

Với Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 – Bộ luật Hình sự 2015, chỉ áp dụng chế tài xử lý hình sự với những đối tượng có hành vi xúc  gây thiệt hại đến danh dự nhân phẩm của người khác ở mức độ nghiêm trọng.

 

Từ những quy định trên, bạn có thể gửi đơn tố giác và những chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của người này đến cơ quan công an gần nhất để yêu cầu xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, đồng thời yêu cầu họ bồi thường thiệt do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

 

Về vấn đề người này ép mẹ bạn ký giấy nhận nợ và muốn đến công ty mẹ bạn để gây rối. Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo đó, bên vay của hợp đồng vay tài sản là bạn thì bạn mới là người có nghĩa vụ trả nợ cho người bạn kia. Trường hợp mẹ bạn không đồng ý thay bạn trả nợ, bảo lãnh cho bạn trong quan hệ cho vay hoặc liên đới trả nợ cùng bạn thì mẹ bạn không có nghĩa vụ trả số nợ bạn đã vay của người bạn kia. Việc người này đòi mẹ bạn thực hiện việc trả nợ là không có cơ sở pháp lý.

 

Gia đình bạn có thể báo với cơ quan công an để giải quyết nếu người này có hành vi đến cơ quan của mẹ bạn để gây rối. Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng đề cập đến vấn đề này như sau:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Vay nặng lãi quá hạn giải quyết thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Nông Lan – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo