Cao Thị Hiền

Uỷ quyền đòi nợ có hợp pháp không? Quy định theo luật thế nào?

Sau khi trải qua dịch Covid 19, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều cá nhân, tổ chức nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả, điều này gây thiệt hại đến quyền lợi của người cho vay. Do vậy, nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đòi nợ thay mình. Nhưng việc ủy quyền đòi nợ có hợp pháp hay không, các quy định của pháp luật về việc ủy quyền đòi nợ như thế nào, bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin pháp lý về ủy quyền đòi nợ.

1. Hợp đồng vay tài sản là gì?

Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Theo đó, bên vay tiền phải trả tiền đúng hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Uỷ quyền đòi nợ là gì?

Bên vay tài sản có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay khi đến hạn. Khi bên vay không trả nợ thì bên cho vay có quyền đòi nợ. Bên cho vay có thể tự mình đòi nợ hoặc ủy quyền đòi nợ.

Uỷ quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Hiện tại pháp luật chưa có quy định về ủy quyền đòi nợ được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân, tổ chức, trao quyền đòi nợ, thu hồi nợ cho một chủ thể khác.

3. Uỷ quyền đòi nợ có hợp pháp không? Quy định pháp luật về ủy quyền đòi nợ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ nợ cho bên vay vay tài sản mà đến thời hạn trả mà bên vay chưa trả, trả không đủ thì hai bên có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc gia hạn thời hạn trả nợ. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho vay có thể khởi kiện đến Tòa án nhân nhân nơi bên vay đang cư trú để yêu cầu trả nợ theo đúng thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp bên cho vay muốn người khác đòi nợ thay thì có thể thực hiện việc ủy quyền đòi nợ.

Tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Theo đó, vay tài sản là một giao dịch dân sự, do vậy, chủ nợ có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thay mình thực hiện việc đòi nợ. Người nhận ủy quyền được thực hiện các công việc trong phạm vi nội dung văn bản ủy quyền và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người đại diện (chủ nợ).

Tại Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định phạm vi đại diện như sau:

“1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b, Điều lệ của pháp nhân;

c, Nội dung ủy quyền;

d, Quy định khác của pháp luật;

...               

3.Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên cá nhân có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình để tham gia các giao dịch dân sự sao cho đảm bảo được những điều kiện quy định. Theo đó bên cho vay nợ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ thay và việc này phải đảm bảo người đại diện đòi nợ không đồng thời là người đại diện cho người vay nợ trong quan hệ liên quan đến hợp đồng vay.

Căn cứ Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo quy định trên, chủ nợ và người được ủy quyền đòi nợ có thể thỏa thuận với nhau về chi phí thù lao để thực hiện công việc theo văn bản ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định thì chủ nợ không phải trả thù lao cho người được ủy quyền đòi nợ.

Tóm lại, khi cho người khác vay tài sản nhưng đến thời hạn trả nợ mà người vay không trả, nếu hai bên thỏa thuận với nhau nhưng vẫn không đạt được mục đích thì bên cho vay có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thay mình thực hiện việc đòi nợ. Người nhận ủy quyền được thực hiện các công việc trong phạm vi nội dung ủy quyền.  

4. Nội dung giấy ủy quyền đòi nợ

Giấy ủy quyền đòi nợ là một trong những văn bản pháp lý quan trọng và cần thiết khi có mong muốn ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung giấy ủy quyền đòi nợ, tuy nhiên về cơ bản nội dung ủy quyền đòi nợ cần có các nội dung cơ bản gồm: bên ủy quyền; bên nhận ủy quyền; nội dung, công việc ủy quyền; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền...

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Hỗ trợ nhanh
Chat zalo