Đinh Thị Minh Nguyệt

Tỷ giá hối đoái là gì? Cách tính tỷ giá hối đoái?

Trong thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, các quốc gia ngày càng đẩy mạnh việc trao đổi, mua bán, giao lưu với các quốc gia khác, không chỉ trong một khu vực nhất định như Đông Nam Á, Nam Á, … mà còn giữa các quốc gia ở các châu lục khác nhau. Vì vậy, để quá trình giao thương thuận lợi, tiền tệ là phương tiện trao đổi giữa các nước phải có sự quy đổi tương xứng theo một tỉ lệ nhất định. Từ đó, khái niệm về tỷ giá hối đoái ra đời. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Tỷ giá hối đoái là gì? 

Tỷ giá hối đoái được hiểu là tỷ lệ trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ. Cụ thể, tỷ lệ này được xác định khi một đơn vị tiền tệ của quốc gia này quy đổi sang tiền của quốc gia khác tại một thời điểm nhất định. 

Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 5 điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 có nêu: “Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.”   

Như vậy, khi nhắc đến tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với nước ngoài, chúng ta sẽ biết được số lượng đơn vị của đồng Việt Nam cần thiết để đổi lấy một đơn vị tiền tệ nước ngoài. 

Ngoài ra, cũng theo Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá và cơ chế điều hành tỷ giá. 

2. Cách tính tỷ giá hối đoái

Cơ sở để tính tỷ giá hối đoái được dựa trên đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá. Trong đó, đồng tiền yết giá được hiểu là đồng tiền có số đơn vị cố định là 1 đơn vị, còn đồng tiền định giá là đồng tiền có số đơn vị thay đổi và phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối. 

Ví dụ: 1 USD = 23.000 VND, khi đó đồng tiền yết giá là đồng USD, đồng tiền định giá là đồng VND.

Hiện nay trên các thị trường hối đoái quốc tế, thông thường người ta sẽ sử dụng tỷ giá USD hoặc GBP so với đồng nội tệ. Vì vậy, để xác định tỷ giá giữa những đồng tiền khác, chẳng hạn như tỷ giá USD/GBP, họ phải sử dụng phương pháp chéo tỷ giá. Cụ thể, phương pháp này được áp dụng thông qua 3 công thức sau:

- Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá:

Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cũng ở vị trí đồng tiền định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá.

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.

Ví dụ: Tỷ giá yết là VND/USD và CNY/USD, tỷ giá (TG) chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:

Yết giá/định giá = (Yết giá/USD) / (Định giá/USD)      

 →  VND/CNY   =  (VND/USD)   /   (CNY/USD)

Trong đó: 

- VND/USD = X / (X + VND) 

Với X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND.

- CNY/USD = Y / (Y + CNY)

Với Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY. 

- Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá:

Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền cùng ở vị trí đồng tiền yết giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá chia cho tỷ giá của đồng tiền định giá. 

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.

Ví dụ: Tỷ giá yết là USD/VND và USD/CNY, tỷ giá chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau:

Yết giá/định giá = (USD/định giá) / (USD/yết giá) 

 →  VND/CNY   =   (USD/CNY)   /  (USD/VND)

Trong đó: 

- USD/CNY = Y/Y + CNY 

Với Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY.

- USD/VND = X/X + VND 

Với X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND.

- Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá và định giá:   

Tỷ giá chéo giữa hai đồng tiền trong đó một đồng được yết ở vị trí đồng yết giá và một đồng yết ở vị trí đồng định giá được xác định bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá. 

Cụ thể: Muốn tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng nhân với tỷ giá bán của ngân hàng và muốn tính tỷ giá bán của khách hàng lấy tỷ giá mua của ngân hàng nhân với tỷ giá mua của ngân hàng. 

Ví dụ: Tỷ giá yết là VND/USD và USD/CNY, tỷ giá chéo VND/CNY trong hai trường hợp mua và bán được tính theo công thức sau: 

Yết giá(trực tiếp)/định giá = (Yết giá/USD) x (USD/Định giá)

     →       VND/CNY         =   (VND/USD)  x  (USD/CNY)

Trong đó:

- VND/USD = X/X + VND

X là tỷ giá mua và X + VND là tỷ giá bán của ngoại tệ VND. 

- USD/CNY = Y/Y + CNY 

Y là tỷ giá mua và Y + CNY là tỷ giá bán của ngoại tệ CNY.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái    

Những yếu tố mang tính quyết định đến tỷ giá hối đoái thường liên quan đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, hơn nữa, đây được coi như sự so sánh giữa hai đồng tiền, vì vậy nó chỉ mang tính tương đối và không ổn định. Cụ thể, một số yếu tố có thể tác động lên tỷ giá hối đoái bao gồm:

- Chênh lệch lạm phát 

Khi lạm phát của một quốc gia tăng tương đối so với mức lạm phát của một quốc gia khác (tức là có sự chênh lệch lạm phát), sức mua đồng nội tệ giảm so với ngoại tệ, giá trị của đồng nội tệ giảm đi (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi), tức là tỷ giá hối đoái của đồng ngoại tệ so với nội tệ tăng (hay tỷ giá đồng nội tệ so với ngoại tệ giảm) và ngược lại.

- Chênh lệch lãi suất

Lãi suất, lạm phát và tỷ giá hối đoái có mối tương quan chặt chẽ. Bằng cách kiểm soát lãi suất, các ngân hàng trung ương sẽ gây ảnh hưởng đến cả lạm phát và tỷ giá hối đoái. Một nền kinh tế có lãi suất cho vay cao sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho chủ nợ so với các nền kinh tế khác, do đó có khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và làm tỷ giá hối đoái tăng. Tuy nhiên, tác động của lãi suất cao sẽ trở nên tiêu cực, nếu lạm phát trong nước cao hơn nhiều so với các nước khác, hoặc nếu có thêm những yếu tố khác làm giảm giá trị đồng tiền. Ngược lại, lãi suất giảm có xu hướng làm giảm tỷ giá hối đoái.

- Thâm hụt tài khoản vãng lai

Tài khoản vãng lai là cán cân thương mại giữa một quốc gia và các đối tác thương mại của nó, phản ánh tất cả các khoản thanh toán giữa các nước liên quan đến hàng hoá, dịch vụ, lãi và cổ tức. Thâm hụt tài khoản vãng lai cho thấy một quốc gia đang chi tiêu cho ngoại thương nhiều hơn việc thu nhập từ xuất khẩu, và rằng nước này đang vay vốn từ các nguồn nước ngoài để bù đắp thâm hụt. Nói cách khác, đất nước cần nhiều ngoại tệ hơn những gì nhận được thông qua xuất khẩu, và cung cấp nội tệ cho nước ngoài nhiều hơn những gì họ cần để mua hàng hóa. Nhu cầu ngoại tệ dư thừa làm giảm tỷ giá hối đoái của nước này cho đến khi giá của hàng hóa, dịch vụ trong nước đủ rẻ đối với người nước ngoài và các tài sản nước ngoài quá đắt để tạo ra doanh số bán hàng trong nước.

- Nợ công

Nếu một quốc gia phải sử dụng ngân sách để tài trợ cho các hoạt động của nhà nước và chính phủ dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ công lớn, lạm phát sẽ bị đẩy lên cao và đồng tiền có nguy cơ mất giá. Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để trả các khoản nợ như tăng cung tiền, bán trái phiếu trong nước, tăng nguồn cung chứng khoán,.. mà chính phủ vẫn không thể khắc phục được tình trạng này, các nhà đầu tư nước ngoài rất dễ bị mất niềm tin với đồng tiền của quốc gia đó và giảm khả năng đầu tư. Như vậy, xếp hạng nợ của một quốc gia có thể coi là một yếu tố quyết định đến tỷ giá hối đoái.   

- Tỷ lệ trao đổi thương mại 

Là tỷ lệ so sánh giá xuất khẩu với giá nhập khẩu. Tỷ lệ trao đổi thương mại có liên quan đến tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán. Nếu tốc độ tăng giá xuất khẩu của một quốc gia nhanh hơn tốc độ tăng giá nhập khẩu, thì tỷ lệ trao đổi thương mại đã được cải thiện tích cực. Tỷ lệ trao đổi thương mại tăng cho thấy nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước đó đang tăng, dẫn đến doanh thu từ xuất khẩu tăng, và nhu cầu cho nội tệ tăng lên (và giá trị của đồng nội tệ tăng). Nếu tốc độ tăng trưởng của giá xuất khẩu chậm hơn so với nhập khẩu, giá trị của đồng nội tệ sẽ giảm tương đối với các đối tác thương mại.

- Độ ổn định chính trị và hoạt động của nền kinh tế

Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn muốn đầu tư vào những quốc gia có nền chính trị ổn định với nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ. Một đất nước có những đặc điểm này sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn so với các nước có rủi ro chính trị và kinh tế cao hơn. Ví dụ, bất ổn chính trị có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư dành cho một đồng tiền và họ sẽ chuyển luồng vốn vào đồng tiền của các nước ổn định hơn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn