Mạc Thu Trang

Tự ý thay đổi tên trên bằng cấp xử lý thế nào?

Quyền thay đổi tên là một trong những quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân. Tuy nhiên để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên thì bạn phải thuộc các trường hợp pháp luật quy định.

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Pháp luật dân sự quy định cá nhân có quyền có họ, tên để làm căn cứ xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. Tuy nhiên, việc đặt tên cho cá nhân bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Trong quá trình sử dụng tên của mình, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên nếu có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, nếu bạn đang có nhu cầu đổi tên và muốn xác định các căn cứ để có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước thay đổi họ, tên thì bạn cần phải tìm hiểu các quy định của pháp luật dân sự hoặc tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về vấn đề thay đổi họ, tên

Nội dung tư vấn: Do không hiểu biết pháp luật và một phần do mê tín tôi đã thay tên đổi họ trên bằng tốt nghiệp THCS của mình để đi học chuyên nghiệp với một cái họ tên khác, toàn bộ CMND bằng chuyên nghiệp, sổ hộ khẩu đều mang tên mới. Nay tôi bị tố cáo là dùng bằng của người khác để đi học. Nếu bị thanh tra thì tôi có bị xử lý kỷ luật không và xử lý ở mức độ nào là hợp lý nhất ạ? Xin luật sư tư vấn giúp tôi với, tôi xin chân thành cảm ơn ạ!!

Trả lời tư vấn:

Căn cứ Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi tên của cá nhân như sau:

" Điều 28. Quyền thay đổi tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”

Như vậy, cá nhân thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì có thể đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện mà trong địa hạt của huyện đó bạn đã đăng ký khai sinh trước đây) để yêu cầu công nhận việc thay đổi tên và ghi thông tin thay đổi tên vào Giấy khai sinh của bạn. Việc bạn tự ý thay đổi họ tên trên bằng cấp, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu là trái quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”

Theo quy định trên của pháp luật thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, nội dung trên mọi giấy tờ khác của cá nhân đều bắt buộc phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Do vậy, họ tên trên CMND, sổ hộ khẩu, các bằng cấp của bạn phải thống nhất với giấy khai sinh.

Trường hợp này, bạn nên phối hợp với cơ quan Công an, trình bày thực tế toàn bộ sự việc, kể cả việc bằng của bạn có tên mới không trùng với tên trong giấy khai sinh. Nếu hậu quả trong trường hợp này chưa xảy ra và có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu thì có thể trong trường hợp này bạn sẽ bị xử phạt hành chính từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng theo khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo