Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về yêu cầu phân chia di sản thừa kế và thời hiệu thừa kế theo quy định của pháp luật.

Ba tôi có ba đời vợ và có 8 người con. Dòng thứ nhất 3 người con, dòng 2 là 4 người con và dòng 3 là 1 người (người vợ kế thứ 3 có 4 người con riêng). Ba tôi đã mất 8 năm hiện vợ kế thứ 3 giữ và chuyển tên hết toàn bộ đất đai qua tên người vợ thứ 3 và được biết ba tôi còn 85m2 đất nằm trong sổ hộ gia dình nên người mẹ kế đó chưa chuyển qua được.

 

Vậy tôi hỏi: tôi có quyền được đòi chia tài sản không? những người con riêng của người vợ đó có được chia không? nếu không đòi chia thì bao lâu đất ấy mới được quyền chuyển tên cho người vợ kế đó?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Nếu bố bạn mất có để lại di chúc thì di sản thừa kế của bố bạn sẽ được định đoạt theo di chúc trừ một số trường hợp đặc biệt như: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên mà mất khả năng lao động. Nếu bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa  kế của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bố, mẹ, vợ, chồng và các con của người (con đẻ, con nuôi) mất sẽ được hưởng di sản thừa kế. Theo đó, ông bà nội (bố mẹ của bố bạn), mẹ bạn (vợ hợp pháp, có đăng kí kết hôn theo quy định) và 8 người con của bố bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau trong khối di sản thừa kế, các bên có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. 4 người con riêng của người vợ kế thứ ba của bố bạn không có quyền hưởng di sản thừa kế trừ trường hợp bố bạn đã làm thủ tục nhận 3 người này làm con nuôi. 

 

Bạn cần căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đang mang tên ai, có được hình thành trong thời kì hôn nhân của bố bạn và người vợ thứ ba hay không. 

 

Đối với phần đất ghi nhận quyền sử dụng đất ghi tên cá nhân:

 

Trường hợp thứ nhất, quyền sử dụng đất của bố bạn được xác định là tài sản riêng của bố bạn: tài sản được hình thành trước thời kì hôn nhân hoặc trong thời kì hôn nhân nhưng được tặng cho riêng hoặc thừa kế riêng. Khi bố bạn mất toàn bộ quyền sử dụng đất sẽ được chia theo pháp luật.

 

Trường hợp thứ hai, quyền sử dụng đất được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng (bố bạn và người vợ thứ ba): tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân trừ trường hợp tặng cho riêng và thừa kế riêng. Theo đó, khi bố bạn mất quyền sử dụng đất sẽ được chia làm đôi bố bạn = mẹ bạn= ½ quyền sử dụng đất. ½ quyền sử dụng đất của bố bạn được xác định là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật.

 

Khi người mẹ kế của bạn làm thủ tục sang tên, mua bán, tặng cho … quyền sử dụng đất có phần đất là di sản thừa kế do bố bạn để lại thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của những người có quyền hưởng di sản thừa kế. 

 

Đối với phần quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình: Tất cả những người có tên trong sộ hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đồng chủ sử dụng. Khi bố bạn mất phần quyền sử dụng đất của bố bạn sẽ được chi theo pháp luật. Khi một trong những người là đồng chủ sử dụng muốn định đoạt: mua bán, chuyển nhượng, tặng cho v.v.. thì phải được sự đồng ý của những người còn lại.

 

Căn cứ theo khoản 1 Điều 623 bộ luật dân sự 2015 quy định về  thời hiệu thừa kế: “1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
…”

 

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất là 30 năm. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản. Bố bạn mất đến nay được 8 năm vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế do đó bạn và những người được quyền hưởng di sản thừa kế đều có quyền khởi kiện ra Tòa án giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn