Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về việc trả lãi và phạt vi phạm khi vay tín chấp của Ngân hàng để trả góp xe.

Luật sư tư vấn về trường hợp vay tín chấp Ngân hàng: lãi suất, phạt vi phạm và việc đổi biến sổ xe khi sang tên. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung tư vấn: Luật sư cho em hỏi trường hợp của em đứng ra mua xe trả góp cho em của em nhưng góp hàng tháng là do em của em đóng. Nhưng nay do chạy chiếc xe máy đang góp gặp tai nạn nó chết rồi. Nó đóng được 2 tháng, em đóng được 1 tháng là được 3 tháng. Sau đó em không còn khả năng đóng nữa. Thời gian em chưa đóng là 4 tháng. Trong 4 tháng này bên ngân hàng có cho người gọi điện thoại uy hiếp đe dọa em thì như vậy có gọi là phạm pháp hay không?

 

- Xe em mua là 39 triệu 500 nhưng đã trả trước 8 triệu, vay tín chấp là 31 triệu 500. Một tháng đóng 3.651.000 trong đó không thu phí dùm, góp trong vòng 1 năm. Cho em hỏi lãi suất cho vay như vậy có gọi là nặng lãi hay không? 

 

- Hiện nay bên ngân hàng có cho người xuống nhà thu tiền gốc 20 triệu 500 nhưng cộng thêm tiền phạt và tiền lời nữa tổng em phải trả bây giờ là 25 triệu 440. Cho em hỏi bây giờ em có nên trả lãi với tiền phạt hay không?

 

- Chiếc xe máy đã sang tên em nhưng biển số xe lại ở một huyện khác cho em hỏi như vậy có hợp lệ không? Có nên bắt bên ngân hàng đổi biển số xe cho em hay không luật sư. Mong được sự giúp đỡ và được sự giải đáp trong thời gian sớm nhất. Em xin cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc bạn bị uy hiếp, đe dọa.

 

Do bạn không thông tin cụ thể việc bạn đe dọa và uy hiếp ra sao nên chúng tôi không thể xác định được cụ thể hành vi vi phạm và trách nhiệm trong trường hợp này.

 

Trường hợp hành vi đe dọa, uy hiếp bạn qua điện thoại là nghiêm trọng, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính mạng của bạn, bạn có thể tố cáo qua cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm của những người đã uy hiếp bạn. Trường hợp hành vi uy hiếp, đe dọa này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người uy hiếp, đe dọa bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP:  

 

“...3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

 

...g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”

 

Thứ hai, về lãi suất vay.

 

Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

 

“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, đối với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng, mức lãi suất vay sẽ do Ngân hàng thỏa thuận với khách hàng. Giữa bạn và phía Ngân hàng có hợp đồng vay tín chấp số tiền 31.500.000 đồng, trả góp 01 năm, mỗi tháng 3.651.000 đồng, như vậy, lãi suất vay là 39%/ năm và bạn đã đồng ý với mức lãi suất này nên không đặt ra hành vi cho vay nặng lãi.

 

Thứ ba, về việc trả tiền lãi và tiền phạt.

 

Khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

“Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, em trai bạn đã đóng được 2 tháng, bạn đóng được 1 tháng và sau đó bạn không còn khả năng đóng nữa, thời gian bạn chưa đóng là 4 tháng nên theo quy định trên, bạn phải trả cho Ngân hàng tiền gốc, tiền lãi trên nợ gốc.

 

Ngoài ra, nếu trong hợp đồng vay của bạn có điều khoản về phạt vi phạm thì bạn còn phải chịu một khoản tiền phạt theo thỏa thuận của hai bên.

 

Thứ tư, về việc đổi biển số xe.

 

Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA thì việc sang tên xe và phải đổi biển số xe được quy định như sau:

 

- Trường hợp chiếc xe được đăng ký sang tên trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì xe vẫn được giữ nguyên biển cũ;

 

- Trường hợp xe được sang tên, di chuyển đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì phải sẽ phải nộp lại biển số xe cũ và đăng ký biển số mới.

 

Như vậy, trường hợp bạn sang tên xe khác huyện nhưng vẫn cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì vẫn được giữ nguyên biển số cũ. Trường hợp bạn sang tên xe khác huyện và khác tỉnh thì bạn phải nộp lại biển và đăng ký biển mới khi xe được chuyển đến huyện khác tỉnh, thành phố bạn đang sống và trách nhiệm làm thủ tục này thuộc về chủ xe được mua, tặng, cho xe là bạn chứ không thuộc về phía Ngân hàng.

 

Trân trọng

 

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo