Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn về việc lập di chúc hợp pháp

Cho tôi hỏi về việc lập di chúc. Cha và mẹ tôi lấy nhau đã lâu, có 3 người con. Tôi là người con út trong gia đình. trên tôi còn 01 chị và 01 anh. năm 2011 mẹ tôi bị bệnh mất. Toàn bộ giấy tờ nhà đất đều do cha tôi đứng tên sở hữu. Nay cha tôi muốn lập di chúc để lại cho tôi được hưởng toàn bộ tài sản gồm nhà và đất đai. Vậy cha tôi cần làm thủ tục gì? Cha tôi tình trạng sức khỏe bình thường, tất cả anh chị em chúng tôi đều đã trên 18 tuổi.

 

Trả lời tư vấn:

 
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
 
* Trường hợp khối tài sản bao gồm cả tài sản chung của cha mẹ và tài sản riêng của cha
 
Để chặt chẽ nhất và giảm tối đa tranh chấp, đối với tài sản chung của cả cha và mẹ anh/chị, nếu thời điểm mẹ anh/chị qua đời đến nay gia đình chưa làm thủ tục phân chia di sản thừa kế, thì trước hết gia đình cần làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Cụ thể về thủ tục này chúng tôi đã tư vấn qua bài viết "Thủ tục và thuế, phí sang tên nhà đất thừa kế". Nếu gia đình không có tranh chấp, cả gia đình đồng ý với việc cha anh/chị để lại cho 1 mình anh/chị toàn bộ khối tài sản, thì trong nội dung văn bản phân chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế có thể định đoạt luôn phần của toàn bộ mọi người cho anh/chị hoặc cho cha (Nếu để lại cho cha thì cha mới có quyền sang tên cho một mình cha và sau đó toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản này). Sau khi đã lập văn bản phân chia di sản thừa kế tại phòng công chứng, gia đình sẽ làm thủ tục sang tên như đã tư vấn trong bài viết. 
 
Sau khi hoàn thành thủ tục phân chia di sản thừa kế từ mẹ, cha anh/chị lập di chúc định đoạt tài sản của mình. Về nội dung, nội dung di chúc cần ghi chính xác, chi tiết thông tin về tài sản để lại và chỉ rõ người được thừa kế theo ý nguyện. Nếu tài sản để lại là nhà đất thì ghi chính xác thông tin về nhà đất như trong sổ đỏ phần mà cha anh/chị có quyền định đoạt. Về hình thức, nếu sức khỏe của cha anh/chị bình thường thì có thể lập di chúc thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc di chúc viết tay. Cụ thể về vấn đề này chúng tôi đã tư vấn qua bài viết "Tư vấn lập di chúc hợp pháp".
 
Trường hợp nếu trước mắt gia đình chưa có điều kiện đi làm thủ tục phân chia di sản thừa kế như trên, cha của anh/chị có thể lập di chúc với nội dung để lại cho anh/chị toàn bộ phần tài sản của mình, bao gồm cả phần mình đang sở hữu và phần được thừa kế từ mẹ anh/chị, hình thức di chúc vẫn phải đáp ứng các điều kiện như trong bài viết trên. 
 
* Trường hợp toàn bộ nhà đất này là tài sản riêng của cha anh/chị hoặc gia đình đã từng làm thủ tục phân chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế đã để lại toàn bộ phần thừa kế của mình cho cha: trường hợp này cha anh/chị có toàn quyền định đoạt và có thể lập di chúc định đoạt nhà đất theo đúng thông tin xác nhận phần sở hữu của cha hiện ghi trong sổ đỏ. 
 
Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Ngoài ra, anh/chị có thể tham khảo thêm qua Bộ luật Dân sự 2005 có quy định và hướng dẫn đối với trường hợp của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc lập di chúc hợp pháp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P. Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo