Hoài Nam

Tư vấn về việc bị giật hụi

Họ, hụi, biêu, phường là gì? Trường hợp các bên trong giao dịch họ, hụi, biêu, phường phát sinh tranh chấp thì cần phải giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Bởi vì là hình thức giao dịch tài sản theo tập quán nên các thỏa thuận thường không được ghi nhận bằng văn bản dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh trên thực tế. Do đó, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến vấn đề này mà chưa có phương án giải quyết phù hợp, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp bị giật hụi

Câu hỏi: Xin chào luật sư!Tôi có chơi hụi với tiền gốc và lãi là 120 triệu, và những người khác từ vài chục đến vài trăm triệu, có người lên đến 400 triệu. Nhưng giờ chủ hụi đã trốn đi nơi khác và cầm theo sổ hụi, chỉ còn người nhà ở lại và hứa sẽ giải quyết, nhưng 1 thời gian rồi chưa ai nhận lại được tiền. Xin cho tôi hỏi tôi có khả năng lấy lại tiền được không? Nếu được thì tôi phải làm như thế nào và cần những gì? tôi không có giấy tờ liên quan đến vụ việc này.Theo tôi biết thì tài sản của chủ hụi hiện tại không đủ thanh toán hết cho các người chơi. Như vậy nếu như lấy lại được thì tôi có nhận được đủ số tiền đó không? và giải quyết trả lại tài sản như thế nào?Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!-- 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi này chúng tôi tư vấn như sau:     

Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định về Họ, Hụi, Biêu, Phường:

Khoản 3 Điều 15 quy định về nghĩa vụ của chủ họ, theo đó chủ họ có nghĩa vụ Giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ.

Điều 29 Nghị định quy định về trách nhiệm của chủ họ do không giao các phần họ cho các thành viên được linh họ:

Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ.

Điều 31 quy định về giải quyết tranh chấp:

Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Như vậy theo các quy định trên thì người chủ họ, hụi có nghĩa vụ giao các phần tiền cho các thành viên được lĩnh, trong trường hợp chủ họ, hụi không thực hiện nghĩa vụ  thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 29 của nghị định này.  Trường hợp của bạn do chủ họ, hụi không thực hiện nghĩa vụ mà đã bỏ trốn đi nơi khác thì các hụi viên có thể khởi kiện chủ hụi ra tòa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, kèm theo đơn khởi kiện và chứng cứ chứng minh có sự tồn tại của thỏa thuận về họ, hụi. Do vậy bạn vẫn có khả năng lấy lại được tiền của mình.

Việc nhận lại tiền tuân theo quy định của pháp luật về thi hành án. căn cứ quy định tại khoản 1,2 Điều 47 Luật thi hành an dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014:

"1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;

b) Án phí, lệ phí Tòa án;

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;

c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án."

Theo quy định trên thì số tiền thi hành án phải ưu tiên thực hiện các khoản quy định tại khoản 1 điều này trước sau đó mới được chia cho những người được thi hành án theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án. Do vậy nếu tài sản của chủ hụi không đủ để thi  hành án cho tất cả các thành viên trong hụi thì bạn chỉ được nhận số tiền tương ứng với tỷ lệ tiền góp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo