Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về vấn đề định đoạt tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự

Luật sư tư vấn về vấn đề xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự và việc định đoạt tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể như sau:

 

Kính chào luật sư, Hiện tại tôi có 1 vấn đề kính nhờ luật sư giải đáp giúp tôi.Ba mẹ tôi hiện tại có 1 mảnh đất, mảnh đất này được xác định là tài sản chung của ba mẹ tôi nhưng trên sổ đỏ ba tôi là người đứng tên. Hiện ba tôi bị mất năng lực hành vi dân sự, có xác nhận của xã và bệnh viện. Gia đình tôi có 6 chị em, mẹ tôi làm hợp đồng tặng cho mảnh đất cho tôi, đã làm hợp đồng và phòng công chứng đã ký, nhưng khi tôi mang hợp đồng trình xã ký thì bên xã không chịu ký. Phía bên xã nói là mảnh đất này do ba tôi mất năng lực nên không thể làm hợp đồng cho tặng mà chỉ có thể bán. Nhưng khi tôi quay lại phòng công chứng thì bên phòng công chứng nói là hợp đồng cho tặng của tôi đủ điều kiện và hợp lệ. Tại sao xã không xác nhận. Kính nhờ luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề mất năng lực hành vi dân sự

 

Theo Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

 

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

 

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

 

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

 

Như vậy, nếu như bố bạn được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận là bị mất năng lực hành vi dân sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề này sẽ thuộc về bên cơ quan Tòa án. Gia đình bạn sẽ làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố bạn mất năng lực hành vi dân sự và Tòa ra quyết định trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Do đó việc có giấy tờ của bên cơ sở y tế xác nhận bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự chưa đủ để khẳng định bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự cho đến khi có đơn yêu cầu Tòa án công nhận sự việc này.

 

Thứ hai, về người giám hộ người mất năng lực hành vi dân sự

 

Tại Điều 53 BLDS 2015 quy định:

 

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

 

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

 

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

 

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

 

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

 

Sau khi có quyết định về việc công nhận bố bạn bị mất năng lực hành vi thì theo quy định trên mẹ bạn là người giám hộ đương nhiên của bố bạn. Ngoài ra Điều 58 BLDS 2015 quy định:

 

Điều 58. Quyền của người giám hộ

 

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

 

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

 

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

 

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

 

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Theo như quy định trên thì mẹ bạn sẽ là người đại diện đương nhiên của bố bạn, có quyền  thay mặt bố bạn trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

 

Ngoài ra, mảnh đất trên là tài sản chung của bố mẹ bạn và bố bạn mất năng lực hành vi dân sự nên mẹ bạn sẽ thay mặt ông quản lý ½ mảnh đất, bao gồm việc định đoạt ( mua bán, chuyển nhượng, tặng cho ) phần đất này với mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi của bố bạn nên việc tặng cho cho bạn toàn bộ mảnh đất này là hoàn toàn có căn cứ. Như vậy, phía bên UBND xã trả lời là phía bên mình chỉ có quyền bán không được tặng cho là không có căn cứ.

 

Tuy nhiên việc hợp đồng tặng cho trên đã được công chứng  thì đã có giá trị pháp lý nên không cần phải xác nhận của UBND xã. Bạn có thể cầm theo hợp đồng tặng cho đồng thời giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của bố mẹ lên văn phòng đăng ký đất đai tại UBND xã làm thủ tục sang tên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo