Phạm Diệu

Tư vấn về trường hợp xảy ra tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông còn được gọi là va chạm giao thông xảy ra khi một phương tiện va chạm với một phương tiện khác, người đi bộ, động vật, mảnh vỡ đường hoặc vật cản khác, như cây, cột điện hoặc tòa nhà. Tai nạn giao thông thường dẫn đến thương tích, tử vong và thiệt hại tài sản.

1. Luật sư tư vấn quy định về bồi thường thiệt hại

Hiện nay, các vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày một tăng lên kéo theo đó là các tranh chấp phát sinh từ các vụ án giao thông cũng ngày một tăng. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn giao thông? Trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết như thế nào?

Để được giải đáp cụ thể về các về trên, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn cụ thể. Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 để được giải đáp, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:

2. Luật sư tư vấn về việc bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn giao thông

Câu hỏi tư vấn: Luật sư ơi giúp em giải đáp vấn đề này với. Sáng nay ngày 1/6/2020 sau khi ngừng đèn đỏ xong thì em rẽ trái và chạy được cỡ 1 đoạn nhỏ thì có 1 bà chạy bộ băng qua đường, nhưng bà không nhìn về phía xe đang chạy theo đúng làn đường mà nhìn xe chạy bên phía làn đường bên kia nên e đã bấm còi và bóp thắng nhưng không né được và vô tình gây tai nạn cho bà. Em và mẹ ngừng xe đỡ bà dậy giúp bà thoa dầu và cầm máu. Nhưng sau khi thuyết phục đưa bà đi chụp x quang thì tình trạng của bà như sau:Đầu bà bị trầy nhẹ sau khi chụp x quang cho bà thì không bị gì và bà cũng xác nhận mình không đập đầu xuống đất.

Sau khi thấy tay bà bị đau em cũng giúp bà chụp x quang tay của bà thì bác sĩ nói là phải mổ kéo xương lại. Chi phí mỗ ở bệnh viện tư là 15 triệu vì gia đình em kinh tế thấp nên không thể nào có số tiền đó. Sau khi cố gắng thuyết phục bà đi bệnh viện vì bà có bảo hiểm thì bà không đồng ý với lý do là từ thời bố của bà đã khám bác sĩ tư này và đau nên bà không chịu đi bệnh viện.

Sau khi thương lượng với nhà nạn nhân thì nhà em sẽ chịu 1 nữa chi phí (15tr/2),bố của bà thì nói là chuyện không ai muốn nên giúp được bao nhiêu thì giúp, nhưng nhà em gom góp hết tiền chỉ còn 4 triệu tiền mặt (dư được 50 nghìn) thì gia đình em đã đưa hết cho bà 4 triệu. Sau khi đưa tiền xong thì chiều bố mẹ em có đi thăm bà và bà nói là bây giờ thì không có sao chứ sau này không biết có bị gì không. Theo em hiểu câu này thì nếu sau này bà bị gì sẽ bắt nhà em chịu trách nhiệm.

Em SN 1993. Đã có giấy phép lái xe, chưa từng phạm tội hay phạm pháp. Theo em thấy thì em gây thiệt hại cho bà là lỗi của em nhưng em nghĩ cũng có lỗi của bà. Nhưng có 1 chú nói là vì em đi xe máy nên lỗi là của em rồi. Vậy luật sư cho em hỏi trong việc này em đã bồi thường đủ chưa hay phải chịu thêm trách nhiệm gì nữa không? Sự việc xảy ra cũng không có cảnh sát tham gia. Mong luật sư giúp đỡ. Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Th nhất, về việc xác định lỗi

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định việc bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ 04 yếu tố là: (1) Phải có thiệt hại xảy ra; (2) Phải có hành vi trái pháp luật; (3) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; (4) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Theo thông tin bạn cung cấp thì chưa có căn cứ để xác định cụ thể lỗi của bên nào, tuy nhiên nếu xác định được lỗi của bên bạn thì bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia. Tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”.

Như vậy 2 bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật mức bồi thường có thể được giảm do lỗi của bạn là lỗi vô ý và khả năng thực tế của gia đình bạn không đủ để chi trả phí bồi thường.

Thứ hai, về mức bồi thường thiệt hại

Tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó. - Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, về mức bồi thường các bên có thể tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp, không thỏa thuận được thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức bồi thường.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp xảy ra tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo