Tư vấn về trường hợp liên quan đến việc chia di sản thừa kế

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào Luật sư, xin hỏi VC tôi là con út trong 1 gia đình có 7 ace, trước khi tôi về làm dâu thì bố ck tôi đã mất cách đó vài năm, hiện tại sổ đỏ của gđ nhà ck tôi vẫn đứng tên bố ck tôi, trước khi chết bố ck tôi có viết 1 di chúc để lại chỉ nói là để lại cho con gái cả 400m đất nhưng chỉ có chữ kí của bố ck tôi trong bản di chúc, ngoài ra không có 1 chữ kí thứ 2 nào trên bản di chúc làm chứng, và cho đến giờ bố ck tôi đã mất được hơn 10 năm rồi? Vây xin hỏi LS:

 

1. Bản di chúc đó có được coi là bản di chúc hợp pháp hay không? và chị ck tôi có được thừa hưởng 400m đó hay không? Vì sau chị ấy còn có 6 em trai nữa ạ. Chị gái ck tôi lấy ck nhưng đã li hôn rất lâu rồi bô ck tôi cũng mua cho chị ấy đất riêng gần nhà và chị có nhà cửa đoàng hoàng.

2. Mẹ ck tôi sợ con cái tranh giành nên đang cố đi xin giấy tờ để sang tên cho một mình bà thì có hợp lí hay không? Và liệu có chuyển được sang tên bà hay không?

3. Bà nghe dân mánh nước cho bà rằng bà cố chạy chọt để sang tên cho bà 1 nửa mảnh đất, còn 1 nửa còn lại là bà chia cho 7 người con thì có được không ạ? Hay LS có ý kiến nào giúp gđ tôi với ạ...để phân chia được công bằng. Và nếu bà cứ kiên quyết ko muốn chia cho các con và muốn sang tên hết cho bà thì có được không ạ. Trân trọng cảm ơn LS!

 

 

Trả lời tư vấn: Chào chị! Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của chị chúng tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, về tính hợp pháp của di chúc

 

Thông tin chị cung cấp không rõ ràng về thời điểm bố chồng của chị lập di chúc mà chỉ có đề cập đến thông tin bố chồng chị mất cách đây hơn 10 năm. Do đó, chúng tôi tư vấn như sau:

 

+ Bố chồng chị để lại di chúc trước ngày 01/01/2006 (thời điểm Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực thi hành)

 

Trường hợp này thì việc lập di chúc sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995. Cụ thể:

 

"Điều 655. Di chúc hợp pháp

 

1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

...

4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này."

 

+ Bố chồng chị để lại di chúc sau ngày 01/01/2006 (thời điểm Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực thi hành)

 

Trường hợp này thì việc lập di chúc sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể:

 

"Điều 652. Di chúc hợp pháp

 

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

...

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

..."

 

Như vậy, theo các quy định trên thì di chúc không bắt buộc phải có xác nhận của xã/phường nên nếu di chúc đó được lập tại thời điểm bố chồng chị minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép và nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật thì di chúc đó được coi là hợp pháp.

 

- Thứ hai, về việc chia di sản thừa kế của bố chồng chị

 

Trường hợp di chúc của bố chồng chị là hợp pháp thì việc chia di sản thừa kế sẽ thực hiện theo nội dung của di chúc đó. Tuy nhiên, cần lưu ý sẽ có những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Cụ thể, tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017):

 

"Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

Như vậy, mẹ chồng chị vẫn sẽ được hưởng thừa kế khi bố chồng chị không để lại di chúc cho. Và sẽ được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, nên người chị cả sẽ không được hưởng toàn bộ 400 m2 đất đó.

 

Tuy nhiên, cần phải xác định lại phần diện tích đất 400 m2 mà bố chồng chị để lại là tài sản riêng của bố chồng chị hay tài sản chung của bố mẹ chồng chị. Trường hợp là tài sản riêng của bố chồng chị thì việc chia thừa kế sẽ chia trong toàn bộ 400 m2 đất đó. Trường hợp đó là tài sản chung của bố mẹ chồng chị thì di chúc của bố chồng chị sẽ bị vô hiệu một phần đối với 200m2 đất của mẹ chồng chị (vì là tài sản chung của vợ chồng thì vợ chồng có quyền ngang nhau - mỗi người một nửa) thì khi đó, việc chia thừa kế chỉ chia trong 200m2 đất của bố chồng chị.

 

Chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: (Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169)

 

Trân trọng!
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169